Thông tin trên VnExpress, thiếu tá Huỳnh Tuế, Đội trưởng CSGT huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), cho biết trong sáng 4/10, đơn vị tiếp nhận gần 3.000 người dân di chuyển bằng xe máy, chia thành nhiều đợt khác nhau.
Ghi nhận tại Trạm kiểm soát y tế dưới chân đèo Hải Vân thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, đa số người đi xe máy quê ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra. Sau quãng đường dài hàng trăm km, nhiều người vừa đến Trạm đã tìm những chỗ có bóng cây nằm nghỉ. CSGT phát cơm, nước uống cho người dân. Một đội thiện nguyện ở thị trấn Lăng Cô hỗ trợ sữa chữa xe máy miễn phí cho những người có nhu cầu.
Người dân sau khi nghỉ ngơi được CSGT bố trí xe dẫn đường từ thị trấn Lăng Cô đến địa phận huyện Hải Lăng, Quảng Trị, và bàn giao cho lực lượng chức năng tỉnh bạn.
Là một người trong đoàn hàng chục ngàn người hồi hương, anh Giàng Mi Hồ, 32 tuổi, người H'Mông, chia sẻ trên VnExpress rằng, vợ chồng anh và nhóm bạn 10 người H'Mông bắt đầu đi xe máy khoảng 1.000km từ Bình Dương về quê ở Hà Giang. Trước lúc xuất phát, họ chuẩn bị xăng và ít gói mì tôm, nước ngọt. Cả nhóm chạy xe liên tục ngày và đêm, chỉ tranh thủ nghỉ ngơi, chợp mắt bên vệ đường khi quá mệt mỏi.
"Vợ chồng em vào Bình Dương làm cho một công ty về đồ gỗ, tiền lương mỗi tháng hơn 7 triệu đồng, hai người được 14 triệu. Hơn bốn tháng qua, không có việc làm nên cả nhóm quyết định về quê", anh Giàng Mi Hồ nói.
Theo Vietnamnet, khoảng 13h30 chiều 4/10, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở cửa ngõ phía Nam Hà Tĩnh, đóng trên QL 1A đoạn qua địa phận xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, hàng trăm người chở nhau trên xe máy đi từ các tỉnh phía Nam về qua địa bàn.
Cán bộ phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong đoàn này có khoảng 600 người, có cả trẻ em và người lớn. Trong đó có vài chục người quê Hà Tĩnh, Nghệ An. Số còn lại về các tỉnh phía Bắc.
Trong những ngày qua, hàng nghìn lao động từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã đổ về miền Tây khi các tỉnh, thành này nới lỏng giãn cách từ 1/10. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các địa phương cả nước làm việc tại 4 tỉnh, thành nói trên, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê.
Theo thống kê của Báo Dân Trí, ngày 3/10, Cần Thơ ghi nhận 34 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 6/14 ca ở khu cách ly trở về từ vùng dịch, 19 ca ở khu phong tỏa, một ca qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng (ca này cũng trở về từ vùng dịch).
Tỉnh Đồng Tháp có 35 ca dương tính trong ngày 3/10 thì có tới 33 ca là người dân về từ vùng dịch. Tỉnh Hậu Giang cũng ghi nhận 2/4 ca mắc mới là người dân hồi hương về từ vùng dịch trong ngày 3/10.
Theo thông tin từ Sở chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, chỉ trong 2 ngày 2, 3/10, số lượng công dân Cà Mau tự phát về quê lên tới hơn 6.000 người. Qua xét nghiệm hơn 1.000 người thì có 25 người dương tính với SARS-CoV-2.
Tại Bến Tre, ngày 3/10, tỉnh có 4 ca mắc Covid-19 thì 3 ca là công dân hồi hương. Cùng ngày, Sóc Trăng ghi nhận 19 trường hợp mắc Covid-19, trong số này có 6 người về từ vùng dịch.
Tại An Giang, tính từ ngày 1/10 đến trưa 3/10, tỉnh đã tiếp nhận hơn 17.700 người dân về quê tự phát. Qua sàng lọc có 30 người dương tính với SARS-CoV-2 và đã được cách ly điều trị riêng.
Việc xuất hiện nhiều người nhiễm Covid-19 trong dòng người tự phát trở về quê cũng khiến cho lãnh đạo nhiều địa phương ở miền Tây lo lắng.
Trước áp lực người sống ở các tỉnh Đông Nam Bộ tự về quê rất đông, nhiều tỉnh miền Tây đang quá tải về khả năng cách ly tập trung, nguy cơ lây lan dịch.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, trong đêm 2/10, có trên 15.000 người dân đổ về quê. Tính từ ngày 1/10 đến ngày 3/10, Đồng Tháp đã tiếp nhận trên 20.000 người về quê. Qua xét nghiệm đã ghi nhận gần 50 F0.
"Mọi việc quá bất ngờ, không thể ngờ rằng lượng người về quê đông như vậy, tỉnh phải tận dụng các trường học làm điểm cách ly người dân. Tôi có kiến nghị với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cần hỗ trợ ngay cho các tỉnh ĐBSCL sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm vì số lượng người dân về quá nhiều nên các tỉnh không thể đảm đương nổi.
Phải hỗ trợ các tỉnh vắc xin để tiêm phủ cho người dân, tăng cường đề kháng cho người dân tại tỉnh và những người trở về đợt này. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ lao động tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ để họ an tâm ở lại làm việc", báo Thanh Niên dẫn lời ông Nghĩa.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng cho rằng năng lực tiếp nhận của tỉnh có hạn, nếu người dân tiếp tục về sẽ… vỡ trận.
“Một tuần qua, Sóc Trăng tiếp nhận khoảng 30.000 người dân tự phát về quê. Riêng đêm 2/10, có hơn 20.000 người trở về. Nếu như sắp tới người dân trở về ồ ạt như thế này, các khu cách ly không còn sức chứa. Chính vì thế, địa phương kêu gọi người dân không nên trở về trong lúc này”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói trên Tiền Phong.
"Sóc Trăng đã kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự về quê. Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp", ông Lâu thông tin thêm.
Còn tại Kiên Giang, trên địa bàn huyện Tân Hiệp trong đêm qua có gần 3.000 người dân đổ về gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác phân luồng, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Thượng tá Huỳnh Văn Hung, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết, trước tình hình trên, tỉnh đã nhanh chóng điều động tăng cường nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh để phối hợp với Ban CHQS huyện và các lực lượng chức năng tiến hành phân luồng, lập danh sách cũng như quản lý người dân tại khu vực tập trung.
Song song đó, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cũng đã điều động nhiều phương tiện vận tải, tổ cứu thương và xe cấp cứu để hỗ trợ địa phương xét nghiệm nhanh sàng lọc cho người dân. Gần như trắng đêm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đều tập trung hết quân số để hỗ trợ người dân nhanh nhất có thể, giảm tải lưu lượng người trở về đối với huyện Tân Hiệp.
Trước đó, cuối tháng 7, dòng người từ các tỉnh phía Nam cũng chạy xe máy về các tỉnh miền Trung.
HL (Nguoiduatin.vn)