Lái xe là Phan Thanh Tùng (28 tuổi, trú Bắc Ninh). Anh này xuất trình đăng ký xe biển số 37A-018.18 có nhiều dấu hiệu nghi là giả. Qua xác minh qua đường dây nóng, công an Hà Nội được biết, Phòng CSGT tỉnh Nghệ An đã thu hồi biển số trên từ tháng 5/2010. Chủ xe này là Lê Văn Luận, trú phường Hưng Dũng, TP Vinh.
Chiếc xe đã được anh Luận bán cho anh Nguyễn Tiến Sỹ, trú 298 Minh Khai (Hà Nội), tuy nhiên chưa được đăng ký lại. Tiếp tục kiểm tra, nhà chức trách phát hiện số khung, số máy xe này không trùng khớp với đăng ký.
Chiếc Lexus RX 350 có giá gần 2 tỷ gắn biển giả bị CSGT phát hiện. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Trước đó vài ngày, tổ công tác thiếu úy Nguyễn Thanh Tùng (Đội CSGT số 1) làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên phố Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phát hiện chiếc Porsche màu xanh rêu dừng đỗ sai quy định, gắn biển số Hà Nội nghi là giả. Tổ công tác gọi loa thông báo, một lúc sau tài xế xuất hiện.
Kiểm tra, người này chỉ xuất trình được GPLX, đăng ký phương tiện, giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không có. Xác minh qua đường dây nóng, chiếc biển số gắn trên xe Porsche không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tổ công tác lập biên bản, tạm giữ phương tiện.
Trưa 22/5, anh Dương Hoài Nam (36 tuổi, trú Thanh Xuân, Hà Nội) lái chiếc Porsche Cayman biển kiểm soát TP HCM đi từ phố Nguyễn Siêu hướng ra cầu Chương Dương. Xe đi tới phố Chợ Gạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tài xế lái ngược chiều ra đường Trần Nhật Duật thì bị cảnh sát 113 dừng phương tiện.
Tài xế cố thủ trong xe Porsche Cayman giữa phố cổ. Người này chưa xuất trình được đăng ký xe. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Tại trụ sở cơ quan chức năng, tài xế không xuất trình giấy chứng minh nguồn gốc, xuất xứ chiếc ôtô đắt tiền. Công an quận Hoàn Kiếm đã tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Trước đó, trong quá trình công tác trung tá Ngọc từng phát hiện ôtô Camry biển xanh 31A-6385 dừng đỗ sai quy định. Khi kiểm tra, tài xế không xuất trình được giấy tờ.
Xác minh qua đường dây nóng, chiếc xế sang này gắn biển số không trùng khớp với số khung, số máy. Biển số này đăng ký cho xe Mishubishi 7 chỗ, thuộc sở hữu của một chi nhánh ngân hàng ở địa chỉ 31 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội).
Bị phát hiện, tài xế xuất trình đăng ký xe 52P-0050 có số khung, số máy trùng với xe này. Tuy nhiên, đăng ký có dấu hiệu làm giả. Đơn vị đã chuyển vụ việc lên Văn phòng CSĐT – CATP làm rõ.
Ngoài ra, chiếc Toyota biển đỏ TT 90 – 36 trong thời gian dài tạm giữ, chủ phương tiện không tới giải quyết. Xác minh qua cơ quan quản lý xe thuộc Bộ Quốc phòng, cảnh sát được thông báo biển số trên không tồn tại.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng tổ xử lý vi phạm đội CSGT số 1 cho biết, các trường hợp bị tạm giữ gồm: tài xế không có GPLX hoặc GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp; xe không gắn biển số hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; gắn biển số không trùng với với đăng ký; xe không có giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; người chưa thành niên điều khiển phương tiện. Theo quy định, phương tiện không có đăng ký, không gắn biển số không được phép lưu hành. Khi bị tạm giữ, người điều khiển, chủ phương tiện phải tới cơ quan chức năng trình báo. Xe này sẽ bị tạm giữ đến 30 ngày để xác minh làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Những trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, phương tiện bị tạm giữ nhưng không được phép quá 60 ngày. Trong 60 ngày, cơ quan chức năng phải hồi đáp việc trả hoặc không trả phương tiện. Cơ quan chức năng sẽ ra quyết định sung công quỹ các phương tiện nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp xác định được việc buôn lậu và chủ phương tiện thì người này phạm tội buôn lậu, tiêu thụ hàng lậu. Người và phương tiện sẽ được chuyển sang công an điều tra. Năm 2014, Đội CSGT số 1 thanh lý 3 trường hợp là ôtô không rõ nguồn gốc. Đầu năm 2015, đơn vị đang hoàn thiện thủ tục thanh lý 2 trường hợp, trong đó có chiếc Lexus nghi là xe tang vật được chuyển cho cơ quan điều tra. |