Theo ghi nhận của PV, tại các dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội, tất cả công trình thi công đang sử dụng rất nhiều cần cẩu, móc kéo. Với tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội, hiện dự án đang thi công các hạng mục dưới mặt đất, như đổ trụ xà mũ, móng nhà ga nên các loại cẩu mà nhà thầu sử dụng chủ yếu là xe cẩu tự nâng và cẩu bánh xích (loại cẩu bị đổ khi nhổ ống vách ngầm trên đường Cầu Giấy chiều 12/5 vừa qua). Với tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, ngoài các loại cẩu phục vụ dưới mặt đất, dự án đang sử dụng nhiều trục cẩu tháp để thi công các nhà ga trên cao. Riêng nhà ga trước bến xe Hà Đông cũ, tuy mới đổ sàn thi công tầng 2 nhưng ngoài cẩu mặt đất, công trường thi công còn có tới hai cẩu trục tháp cao bằng tòa nhà 7, 8 tầng; tay cẩu kéo dài và nếu xoay ngang thì tay cẩu vượt ra ngoài hàng rào thi công đến cả chục mét. Do tay cẩu phía trước kéo dài nên để giữ thăng bằng, nhà thầu phải dùng từ 3 đến 5 phiến bê tông nặng hàng tấn đeo lơ lửng ở tay cẩu cụt phía sau.
|
Những chiếc cần cẩu đang thi công tại đoạn đường Láng thuộc dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Ngọc Châu. |
Theo một số giảng viên tại bộ môn Đường sắt, Đại học GTVT, pháp luật về an toàn lao động yêu cầu, những thiết bị như: nâng, cẩu thang máy, thang cuốn, cáp treo, bình áp lực… có quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động. Do đó, trước khi đưa vào phục vụ thi công các thiết bị này phải được kiểm định kỹ thuật an toàn và dán tem. Với các dự án ĐSĐT tại Hà Nội, khi đưa phương tiện vào phục vụ thi công, đơn vị thực hiện phải đi kiểm định, sau đó báo cáo kết quả với Sở LĐ,TB&XH Hà Nội. Tuy nhiên, đại diện Sở LĐ,TB&XH Hà Nội vừa cho biết, từ khi hai dự án ĐSĐT được triển khai trên địa bàn thành phố đến nay, Sở LĐ,TB&XH chưa nhận được bất kỳ báo cáo của đơn vị thực hiện về kiểm định an toàn phương tiện, trong đó có thiết bị nâng cẩu đang hoạt động tại đây.
Theo đại diện Sở LĐ,TB&XH Hà Nội, trước các vụ tai nạn vừa qua, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở là một trong những thành viên của đoàn công tác liên ngành đi rà soát, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thi công tại các công trường ĐSĐT. “Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện máy móc, thiết bị phục vụ tại công trường không có báo cáo kiểm định chất lượng, chúng tôi sẽ dừng hoạt động và loại khỏi dự án”, đại diện Sở LĐ,TB&XH Hà Nội nói.
Kiểm tra dự án Nhổn - ga Hà Nội từ hôm nay
Sáng qua (19/5), liên ngành Sở GTVT - Công an - Sở LĐ,TB&XH thành phố Hà Nội làm việc với các đơn vị thi công dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội nhằm chuẩn bị cho kế hoạch kiểm tra, rà soát. Báo cáo tình hình dự án, ông Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc Ban dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) cho rằng, sau hai vụ tai nạn vừa qua tiến độ triển khai dự án đang bị dừng để rà soát. Dự án bị dừng lâu nay, ngoài sự lãng phí về nhân công, thiết bị máy móc còn ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Còn nhà thầu Posco báo cáo, họ vừa thêm một cẩu nữa để cẩu móc cọc cừ thép, thay vì một cẩu như lâu nay. Do vậy, từ nay sẽ không có chuyện cọc cừ (thanh thép nguyên liệu nặng nửa tấn) rơi xuống đường như vừa rồi (?). Nhà thầu Posco đưa ra kiến nghị: Liên ngành nên cấm phương tiện đi lại trên toàn bộ tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy để phục vụ thi công. Thay vào đó, sẽ làm đường tạm theo hướng Mai Dịch - Trần Đăng Ninh - Nguyễn Khánh Toàn để phương tiện ra Cầu Giấy và ngược lại. Tư vấn Systra đưa ra kiến nghị, sau khi rà soát, chấn chỉnh một số gói thầu của dự án có đủ điều kiện để thi công trong khoảng thời gian từ 20 đến 27/5.
|
Người dân chui bên dưới và cẩu trụ tháp “cõng” theo bê tông treo lơ lửng trên đầu (Ảnh chụp tại nhà ga trước chợ Phùng Khoang). Ảnh: T.Đảng. |
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - ông Nguyễn Xuân Tân cho rằng: Sau các vụ tại nạn vừa qua, để thi công trở lại, toàn bộ các hạng mục tại các dự án ĐSĐT phải được rà soát, kiểm tra. Với dự án Nhổn - ga Hà Nội sẽ được liên ngành kiểm tra, rà soát từ sáng 20/5. Riêng việc cấm đường Cầu Giấy để thi công thì không thể được vì đây là tuyến đường hướng tâm, mật độ phương tiện giao thông rất lớn.
Về biện pháp đảm bảo an toàn thi công, ông Tân yêu cầu: “Tất cả máy móc phải được kiểm định mới được đưa vào công trường; công nhân vận hành phải có bằng cấp, chứng chỉ vận hành các loại thiết bị được giao phụ trách. Với các công nhân, kỹ sư khác phải được tập huấn nghiệp vụ an toàn lao động và có giấy tờ xác nhận, nếu không sẽ loại khỏi công trường”.
Đại diện Sở LĐ,TB&XH Hà Nội vừa cho biết, từ khi hai dự án ĐSĐT được triển khai trên địa bàn thành phố đến nay, Sở LĐ,TB&XH chưa nhận được bất kỳ báo cáo của đơn vị thực hiện về kiểm định an toàn phương tiện, trong đó có thiết bị nâng cẩu đang hoạt động tại đây. |
>> Phê bình hàng loạt sau sự cố sập cần cẩu đường sắt
>> Sập cần cẩu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội là do... công nhân
Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)