Trong vụ án gian lận thi cử tại Sơn La, đến thời điểm này đã có 6 người của ngành giáo dục tỉnh này bị khởi tố điều tra, gồm phó giám đốc Sở GD-ĐT Trần Xuân Yến, trưởng phòng, phó trưởng phòng và một chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, một phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng, một phó hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn.
Nay lại lộ diện thêm một phó giám đốc sở - ông Nguyễn Duy Hoàng, chánh thanh tra sở - ông Phan Ngọc Sơn và một trưởng phòng khác của Sở GD-ĐT là ông Nguyễn Ngọc Hà (trưởng Phòng giáo dục trung học) có con nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm, với mức nâng từ 3 đến 8,7 điểm.
Đó là còn chưa tính đến cả chục trường hợp phụ huynh khác đang là cán bộ, giáo viên công tác trong các đơn vị thuộc ngành GD-ĐT Sơn La có con trong danh sách thí sinh được nâng điểm.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đang xác minh một "nhánh" chạy điểm liên quan tới một phó trưởng phòng khác của Sở GD-ĐT Sơn La…
Càng đi sâu điều tra, càng thấy vụ gian lận thi cử tại Sơn La có nhiều tình tiết phức tạp, diện liên quan rất rộng, thậm chí có dấu hiệu cho thấy không chỉ diễn ra tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Câu hỏi đặt ra là trước tình trạng thi cử "nát" như vậy, trách nhiệm của ông Hoàng Tiến Đức - giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, đến đâu và tỉnh Sơn La sẽ xử lý thế nào với trường hợp này?
Cần nhắc lại, cũng liên quan tới vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia, Công an Hà Giang đã khởi tố cả phó giám đốc Sở GD-ĐT để điều tra.
Trước đó, hồi đầu tháng 12-2018, khi HĐND tỉnh Sơn La tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, ông Hoàng Tiến Đức có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong số 30 người được lấy phiếu tín nhiệm.
Ông này chỉ nhận được 6/70 phiếu tín nhiệm cao (tỉ lệ 8,45%), trong khi có đến 39/70 phiếu tín nhiệm thấp (tỉ lệ gần 55%). Kết quả này là đương nhiên khi xảy ra hàng loạt bê bối như vậy trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La.
Cũng về vụ gian lận thi cử tại Sơn La, tối 17-4, sau khi công bố danh sách lãnh đạo có con được nâng điểm, Tuổi Trẻ Online nhận được gần 400 ý kiến của bạn đọc cả nước, hầu hết bày tỏ bức xúc và yêu cầu lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La cần xử lý nghiêm khắc các trường hợp phụ huynh "mua điểm" là cán bộ, đảng viên.
Hình thức xử lý không chỉ là ngưng đề bạt, bổ nhiệm hay xử lý hành chính mà còn phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ bằng chứng chứng minh hành vi "đưa hối lộ" để mua điểm, "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" hay là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Tuy nhiên, cần phải nói rõ danh sách trên mới chỉ là một số trong số 44 trường hợp thí sinh nằm trong danh sách được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018. Đây chưa phải là tất cả, nên có thể bạn đọc chưa tìm thấy bóng dáng của các phụ huynh là người kinh doanh buôn bán, chủ thầu xây dựng, chủ trang trại, thậm chí cả nông dân…
Hơn nữa, cơ quan công an đang tích cực xác minh làm rõ về các trường hợp này, chứng minh việc các phụ huynh đã thực hiện một trong 3 hành vi trên như thế nào để tác động thay đổi điểm thi của con em mình nên thông tin sẽ còn tiếp tục được cập nhật.
Với sự đồng hành và ủng hộ của bạn đọc, Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục theo sát vụ gian lận thi cử này để kịp thời thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới nhất.
Theo N.V.Hải (Tuổi Trẻ Online)