Theo phản ánh của bạn đọc Báo Lao Động, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có những dấu hiệu trong việc hàng viện trợ đã được sử dụng không đúng mục đích, làm thất thoát, lãng phí sinh phẩm hóa chất của bệnh viện. Đặt ra dấu hỏi lớn về việc trục lợi ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19?
Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong cả nước. Trong đó, có một số lượng lớn hóa chất, vật tư y tế như khẩu trang y tế, trang phục bảo hộ...
Theo nguồn tin riêng của Lao Động, mặc dù số hàng trên là hàng viện trợ, bệnh viện không phải xuất kinh phí để mua, nhưng trên thực tế, khi sử dụng số vật tư này trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thì lại được nhập giá, thành tiền.
Ngày 11.2.2020, Giám đốc Bệnh viện là ông Phạm Ngọc Thạch, đã ký văn bản số 101/NDDTWW-TCKT gửi các khoa, phòng về việc tiếp nhận, sử dụng tài trợ trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu nếu tài trợ bằng tiền sẽ nộp vào Phòng Tài chính Kế toán và Phòng Tài chính Kế toán trình Ban Giám đốc phương án sử dụng; tài trợ bằng hiện vật là vật tư trang thiết bị y tế giao Phòng Vật tư Trang thiết bị y tế tiếp nhận, quản lý và trình ban giám đốc phương án sử dụng; tài trợ bằng hiện vật là thuốc, hóa chất sinh phẩm, giao Khoa Dược tiếp nhận, quản lý và trình Ban Giám đốc phương án sử dụng...
Tuy nhiên, trên thực tế, Tờ trình của Phòng Vật tư Thiết bị y tế của Bệnh viện vào ngày 6.4.2020 đã xin ý kiến chỉ đạo từ Ban Giám đốc về việc cấp phát vật tư các nguồn hàng tài trợ, cho tặng để phục vụ cho công tác phòng chống dịch: "Các vật tư nhà tài trợ cho, tặng được nhập và theo dõi vào hệ thống kho của bệnh viện; đồng thời không có giá trị trong hồ sơ, Phòng Vật tư Thiết bị y tế sẽ nhập theo giá của hợp đồng đã ký gần nhất, cụ thể, khẩu trang N95-3M là 60.000 đồng/cái; bộ trang phục chống dịch Tyvek là 400.000 đồng/bộ- công ty TNHH xây dựng và dịch vụ y tế HN; bộ trang phục phòng chống dịch dùng 1 lần (7 chi tiết) là 150.000 đồng/bộ- Tổng công ty Cổ phần Damameco; và khẩu trang y tế là 2.318 đồng/cái"...
Tờ trình này có bút phê đồng ý của Phó Giám đốc Lê Văn Dụng và bút phê của bà Nguyễn Thị Hạnh - Phụ trách kế toán bệnh viện về việc phân bổ các nguồn vật tư các kho theo các nguồn khác nhau, đặc biệt là nguồn vật tư tài trợ viện trợ được nhập sang kho của Hành chính quản trị và kho vật tư tiêu hao, điều này hoàn toán trái với chỉ đạo bằng công văn của Giám đốc đã ban hành ngày 11.2.2020.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sử dụng hàng vật tư tài trợ (được cho tặng, không mất tiền được thể hiện xuất ra các khoa lâm sàng bằng kho Hành chính Quản trị) điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nhưng lại vẫn kê khai giá vào phần mềm His (phần mềm quản lý, vận hành của bệnh viện) và thanh toán vào chi phí điều trị (do ngân sách Nhà nước chi trả).
Điều đáng nói là, trong cả năm 2020, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương không hề nhập kho bất kỳ một bộ trang phục phòng chống dịch nào của công ty Danameco được mua từ nguồn chống dịch. Việc này đặt ra nghi vấn có hay không việc bệnh viện lợi dụng dịch bệnh để trục lợi ngân sách của Nhà nước, với số tiền trục lợi có thể lên đến hàng tỉ đồng.
Đối với nguồn hàng tài trợ, viện trợ được nhập kho vật tư tiêu hao, bệnh viện này vẫn thu tiền của bệnh nhân là người nước ngoài điều trị COVID-19 tại bệnh viện với mức giá 150.000 đồng/bộ trang phục phòng chống dịch (theo giá ký hợp đồng với Công ty Danameco).
Hai loại vật tư có giá trị cao là khẩu trang N95-3M, 60.000 đồng/cái và bộ trang phục phòng dịch với giá 150.000 đồng/bộ và 1 loại 400.000 đồng/bộ.
Nếu tính tổng số lượng được xuất ra từ kho hành chính quản trị đối với hàng tài trợ, viện trợ bao gồm khẩu trang N95- 3M, bộ trang phục chống dịch từ tháng 3.2020 đến tháng 9.2020, số tiền khoảng 2 tỉ đồng, chưa kể đến kho vật tư tiêu hao xuất ra thu tiền của bệnh nhân là người nước ngoài.
Chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 là kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả.
Các hành vi trên không chỉ có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính kế toán, mà còn đặc biệt nghiêm trọng khi có dấu hiệu trục lợi, "moi ruột" ngân sách Nhà nước, khi cả nước đang trong giai đoạn gồng mình chống dịch.
Những dấu hiệu bất thường như trên, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ.
Việc sử dụng hàng viện trợ sẽ theo quy định chung của pháp luật về tặng cho tài sản, về giao dịch dân sự, về hoạt động thiện nguyện theo quy định tại nghị định 64/2008/NĐ-CP và nay thay thế bằng Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Nghị định 93 quy định về sử dụng như sau:
Theo mục 7, Điều 10 Nghị định 93/2021/NĐ-CP về phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
1. Căn cứ phân phối nguồn đóng góp tự nguyện:
a) Mức độ thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra; mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh;
b) Nguồn đóng góp tự nguyện chung cho cộng đồng và những khoản hỗ trợ có điều kiện, địa chỉ cụ thể;
c) Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân và hộ gia đình bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố (không qua Ban Vận động).
2. Ban Vận động Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho các địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố đối với nguồn đóng góp tự nguyện do Ban Vận động Trung ương tiếp nhận.
3. Căn cứ hướng dẫn của Ban Vận động Trung ương, Ban Vận động cấp tỉnh nơi địa phương không bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cho các địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
4. Ban Vận động các cấp ở địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố căn cứ hướng dẫn của Ban Vận động cấp trên, chủ trì, phối hợp với đại diện Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan có liên quan quyết định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phương thức vận động, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch và phân bổ, sử dụng hỗ trợ Nhân dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Các nội dung chi hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.
5. Các quỹ từ thiện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện vận động được theo mục đích, phạm vi hoạt động và thông báo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các tổ chức, cá nhân đóng góp.
6. Đối với nguồn đóng góp tự nguyện do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân vận động, tiếp nhận được thực hiện như sau:
a) Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện vận động được, khuyến khích chi theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này, trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định này. Những khoản vận động, tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể phải được thực hiện theo đúng cam kết và quy định tại Nghị định này;
b) Chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác có tư cách pháp nhân;
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng khoản tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Việc tiếp tục phân phối, sử dụng để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
7. Nguồn đóng góp tự nguyện tiếp nhận được của Ban Vận động các cấp chưa sử dụng hết được sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của đợt sau. Trường hợp cuối năm tiền đóng góp tự nguyện còn dư được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.
Theo Nhóm PV (Lao Động)