Hai thành phố sẽ bị "nhấn chìm" nếu vỡ đập hồ Núi Cốc

21/06/2017 17:07:00

Thành phố Thái Nguyên, Sông Công và hai huyện thị khác sẽ ngập nếu hiện tượng thấm thân đập hồ Núi Cốc không được ngăn chặn.

Thành phố Thái Nguyên, Sông Công và hai huyện thị khác sẽ ngập nếu hiện tượng thấm thân đập hồ Núi Cốc không được ngăn chặn.

Dòng thấm xuất hiện ở mái hạ lưu đập khi hồ ở MNDBT=+46.20m.

Dòng thấm xuất hiện ở mái hạ lưu đập.

Được xây dựng từ năm 1972 đến 1982, hồ Núi Cốc có một đập chính, 7 đập phụ. Đập chính nằm ở xã Phúc Trìu (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), cao 27 m, dài 480 m, rộng 5 m, cao trình đỉnh đập (độ cao so với mực nước biển) là 49 m. Công trình có vai trò chủ lực ngăn dòng chảy sông Công, giữ nước trong hồ Núi Cốc.

Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2014 khu vực đập chính bắt đầu có vết thấm nhỏ nhưng không gây nguy hiểm. Đến tháng 4/2017, lượng nước thấm qua đập chính ngày càng tăng và lan rộng, công ty đã báo cáo Sở Nông nghiệp và UBND tỉnh.

Cụ thể, hiện tượng thấm xảy ra ở vai đập phía bờ hữu tạo thành từng rãnh nước nhỏ. Mái hạ lưu đập chính bờ tả cũng bị thấm. Rãnh thoát nước hạ lưu đập bị gãy đổ dài 200 m, mái lát thượng lưu có một số vị trí lún sụt, hư hỏng. 

Dòng thấm xuất hiện ở vai trái mái hạ lưu đập.

Dòng thấm xuất hiện ở vai trái mái hạ lưu đập.

Được mời tư vấn lập cáo báo nghiên cứu khả thi dự án đảm bảo an toàn hồ Núi Cốc, đại diện Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam phân tích, do đập chính hồ Núi Cốc đắp bằng đất đồng chất, qua 40 năm chất lượng đất đắp cùng các bộ phận khác xuống cấp. Điều này dẫn đến hệ số thấm của đất đập vượt quá tiêu chuẩn cho phép khoảng 3-5 lần, có điểm 6 lần.

Mặt khác, đống đá tiêu thoát nước thân đập về nguyên lý phải thông thoáng để nước đi qua, nhưng thực tế bị tắc dẫn đến nước thấm dâng cao lên mái hạ lưu. Việc gia cố mái hạ lưu bằng tấm bê tông cốt thép vô hình chung đã bịt kín đường thoát ra của dòng thấm, dẫn đến nước bị ứ đọng, dâng cao trong thân đập và thoát ra tại những vị trí xung yếu (khe hở) của tấm lát bê tông.

Nước thấm giữ lâu ngày trong thân đập sẽ làm trôi lớp đất cát, đến giới hạn nào đó sẽ bị phá vỡ, gây vỡ đập. Theo ông Thịnh, nếu điều này xảy ra, vùng hạ du gồm TP Thái Nguyên, TP Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình và một phần của tỉnh Bắc Giang sẽ bị ngập. Trước nguy cơ mất an toàn đập, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Khu vực khoan thăm dò trên đập chính. Ảnh: Gia Chính

Khu vực khoan thăm dò trên đập chính. Ảnh: Gia Chính.

Nhằm khắc phục sự cố ở đập chính hồ Núi Cốc, Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam đề xuất khoan phụt vữa tạo màng chống thấm tại tim đập, bóc toàn bộ tấm lát bê tông mái hạ lưu đập chính từ cao trình 42 xuống 32 và sửa chữa đống đá tiêu nước đập chính từ cao trình 32 xuống thân đập. Với công nghệ Việt Nam hiện có thì vấn đề xử lý không quá phức tạp.

Ngày 19/6, tại cuộc họp của tỉnh Thái Nguyên với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các nhà khoa học, đa số ý kiến đồng tình với cách làm trên, tuy nhiên chưa được chốt. Phương án phụ được UBND tỉnh xây dựng nhiều năm nay là trường hợp cần thiết sẽ phá đập phụ số 5 để giữ đập chính. Khu vực này dân cư thưa thớt, sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Hồ Núi Cốc được tạo nên sau khi đập ngăn sông Công được xây dựng, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 15 km. Phía bờ tả thuộc các xã Tân Thái (huyện Đại Từ), Phúc Xuân, Phúc Trìu (TPThái Nguyên), phía bờ hữu thuộc các xã Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Phúc Thọ.

Đây là hồ chứa nhân tạo đa mục tiêu. Theo thiết kế, hồ Núi Cốc cấp nước tưới cho 12.000 ha đất canh tác nông nghiệp; cấp nước cho công nghiệp 40-70 triệu m3 mỗi năm; phòng lũ; khai thác du lịch; nuôi trồng thủy sản và cải thiện môi trường.

Theo Nhóm phóng viên (VnExpress.net)