Hai showroom đã bị Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng kiểm tra, xử phạt hơn 20 triệu đồng và yêu cầu cam kết bán hàng cho tất cả người tiêu dùng.
Showroom H.A Cao su thiên nhiên thuộc Công ty TNHH TM&DL Tuệ Dân tại 148 Xuân Thủy (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) khai trương khoảng 2 tuần nay và bị người dân phản ánh chỉ nhận khách tour là người Trung Quốc, không phục vụ người Việt Nam. Toàn bộ cửa hàng này được xây kín, chỉ một lối vào. Phía trước có bảo vệ và sẵn sàng ngăn cản người Việt.
Sáng 23/12, Chi cùng quản lý thị trường Đà Nẵng đã tới kiểm tra. Phía trong showroom được bày bán các mặt hàng chăn, gối, nệm... với quảng cáo làm từ cao su thiên nhiên. Phần lớn biển báo giới thiệu hay nhãn mác trên sản phẩm đều bằng chữ Trung Quốc. Khi có mặt lực lượng chức năng, cửa hàng mở cửa cho người dân vào mua sắm, nhưng các nhân viên không có mặt tiếp thị sản phẩm, bối rối khi trưng ra bảng giá bằng tiếng Việt.
|
Quản lý thị trường Đà Nẵng kiểm tra tại showroom H.A. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Không thừa nhận việc chỉ bán hàng cho người Trung Quốc, bà Nguyễn Hoàng Phú Yên, Giám đốc Công ty TNHH TM&DL Tuệ Dân, nói: "Tôi không biết là dân phản ánh sai hay bảo vệ nói sai. Nhưng có lẽ do công ty mới khai trương nên nhân viên chưa hiểu hết, dẫn đến trả lời chưa chính xác". Bà cũng khẳng định hàng nhập khẩu có nhãn mác đầy đủ, nhưng lại từ chối giải thích về việc nhiều bảng hiệu, nhãn mác chỉ ghi chữ và niêm yết giá bằng tiếng Trung Quốc.
Cùng ngày, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng kiểm tra showroom J.J Shop trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà), sau khi có người dân phản ánh chỉ bán hàng cho người Hàn Quốc.
Trao đổi với PV chiều 23/12, ông Lữ Bằng, Chi cục trưởng Quản lý thị trường Đà Nẵng, xác nhận showroom ở quận Cẩm Lệ chỉ bán hàng cho người Trung Quốc, còn ở Sơn Trà chỉ bán hàng cho người Hàn Quốc. Qua kiểm tra, Chi cục đã xử phạt Công ty TNHH TM&DL Tuệ Dân 15,5 triệu đồng, showroom J.J Shop 4,8 triệu đồng cùng vì các vi phạm thiếu nhãn mác phụ cho hàng hóa nhập khẩu, niêm yếu giá không rõ ràng.
|
Ngoài việc bị xử lý vì không có nhãn mác phụ cho sản phẩm, hai showroom chỉ bán hàng cho người Trung Quốc và Hàn Quốc còn vi phạm không niêm yết giá rõ ràng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Bằng cho biết, hai showroom này mở ra để phục vụ cho các tour lữ hành, nhưng khi đăng ký kinh doanh theo showroom chung thì phải phục vụ cho toàn bộ người tiêu dùng. "Giờ họ không cho người Việt Nam vào, theo luật thì không thể xử phạt. Chúng tôi đã yêu cầu hai showroom này ký cam kết phục vụ tất cả người tiêu dùng. Trường hợp có tour, không phục vụ kịp thì phải sắp xếp thời gian", ông Bằng nói.
Theo ông Bằng, ở nước ngoài cũng có tình trạng cửa hàng mở ra chỉ để phục vụ tour lữ hành, ít khi có người bản xứ vào mua. Còn ở Việt Nam, khi xin giấy phép kinh doanh thì phải làm đúng, không được tự ý làm trái. Sau này, khi cấp phép đầu tư cho showroom, các ngành liên quan phải nhắc nhở và yêu cầu cam kết không được từ chối phục vụ người Việt Nam.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, nói việc xử lý showroom chỉ bán hàng cho người nước ngoài là thẩm quyền của quản lý thị trường, tuy nhiên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh du lịch của Đà Nẵng. "Kinh doanh thì ai cũng muốn cửa hàng của mình có khách, nhưng ở đây lại không mở cửa cho khách Việt Nam. Sắp tới chúng tôi sẽ khuyến cáo cho khách không ghé những cửa hàng như thế này", ông Cường nói.
>> Showroom cấm khách Việt ở Đà Nẵng: "Do bảo vệ lỡ miệng"
>> Đà Nẵng: Một showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách Trung Quốc!
Theo Nguyễn Đông (VnExpress.net)