Trong lúc người mẹ đèo con đi học bất ngờ bị sét đánh trúng, bé trai may mắn thoát chết nhưng người mẹ đã tử vong tại chỗ.
Trao đổi với PV, chủ tịch UBND xã Thắng Thủy, ông Phạm Văn Tốt xác nhận vụ việc đau lòng trên. "Gia đình chị H. ở giáp Cầu Chanh (nối giữa huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với huyện Ninh Giang (Hải Dương)). Sau khi ăn cơm trưa xong, nạn nhân đèo con trai học lớp 5 bằng xe máy đi học. Khi đi cách nhà khoảng 2km thì bị sét đánh trúng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ, còn con trai được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đức (TP. Hải Phòng)", ông Tốt nói.
Nhận được tin báo, chính quyền xã Thắng Thủy cùng cơ quan chức năng địa phương đến nơi xảy ra sự việc, đồng thời cấp báo cho Công an huyện Vĩnh Bảo về giải quyết.
Sau khi hoàn thành các thủ tục, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự và tập trung cứu chữa con trai nạn nhân.
Cũng trong khoảng thời điểm trên, một vụ sét đánh tương tự tại khu vực cầu Hải Giang (cây cầu nối hai xã Hải Giang và Hải Phong, huyện Hải Hậu), khiến nạn nhân là Nguyễn Thị M. (SN 1967, trú tại xã Hải Giang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) điều khiển xe đạp lưu thông trên quốc lộ 21B khi đi đến gần khu vực giữa cầu Hải Giang tử vong tại chỗ.
Hiện trường vụ tai nạn |
Tình trạng sét đánh xảy ra ở mọi nơi, vì vậy các chuyên gia cảnh báo nếu người dân không kịp tìm nơi trú ẩn an toàn khi có giông sét thì tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt.
Mọi người nên tìm chỗ khô ráo, đứng ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, nhón chân và không nằm xuống đất, làm sao để phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất.
Ở những nơi chứa nước như biển, ao, hồ, mương, mọi người không nên đến gần. Nếu ở trong rừng thì nên tìm cây thấp và chỗ thưa để tránh.
Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hoả, ôtô..., nếu không thò người ra ngoài, không chạm đến vỏ bọc thì ở những chỗ này an toàn. Ngược lại đối với các ôtô, tàu thủy để hở hay không có vỏ bọc kim loại thì lại nguy hiểm.
Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á, là một trong ba tâm giông trên thế giới có hoạt động giông sét mạnh. Số ngày giông trung bình ở Việt Nam khoảng 100 ngày/năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ/năm. Trong một năm, Việt Nam có thể có tới 2 triệu cú sét đánh xuống đất.
Một số địa phương giông sét xuất hiện nhiều như xã Cổ Dũng (Hải Dương), huyện Đông Anh (Hà Nội), Thăng Bình (Quảng Nam), đồng bằng sông Cửu Long...
Theo Minh Ngọc (Trí Thức Trẻ)