Khi cơn bão số 3 vừa đổ bộ vào Hải Phòng, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện lời kêu cứu từ tài khoản Ng.Ban, người tự giới thiệu là người lao động thuộc Công ty TNHH LG Display Việt Nam, có trụ sở tại huyện An Dương, TP Hải Phòng.
Lời cầu cứu có nội dung một công nhân cần tìm nơi trú ngụ qua đêm tránh bão, do công ty bắt rời khỏi nhà máy đúng lúc mưa gió đang quần thảo.
Dân mạng bức xúc
Nội dung được công nhân này đăng lên nhóm MXH như sau: “Em đang cần hỗ trợ chỗ ngủ ở Hải Phòng đêm nay, có ai biết số điện thoại hỗ trợ chống bão ở Hải Phòng không, cho em xin với ạ”.
Dòng trạng thái nhanh chóng được lan truyền và thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Có ý kiến thể hiện sự phẫn nộ, lên án sự vô cảm của doanh nghiệp trước sự an toàn của công nhân.
Theo thông tin trên MXH, sau khi các công nhân lên mạng cầu cứu, công ty mới cho tìm chỗ tạm trú. Và không chỉ một công ty, còn có nhiều doanh nghiệp khác dù có nhà xưởng trống có thể cho công nhân ở lại nhưng vẫn để công nhân đi xe máy về sau giờ làm, đúng lúc gió bão mạnh đỉnh điểm.
Doanh nghiệp báo cáo gì?
Trước thông tin trên, lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng đã vào cuộc xác minh. Theo đó, đơn vị này đã yêu cầu Công đoàn Công ty TNHH LG Display Việt Nam (LGD) báo cáo sơ bộ về sự việc.
Trao đổi với PV VietNamNet chiều 9/9, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng Nguyễn Anh Tuân cho hay, sau khi nhận được nội dung lan truyền trên MXH, ông đã trao đổi với chủ tịch công đoàn của doanh nghiệp này.
"Việc nhà máy LGD vẫn cho công nhân làm việc trong ngày bão đổ bộ là có. Về cơ bản chính quyền cũng không cấm các doanh nghiệp hoạt động, miễn là phải có phương án sản xuất và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động. Tuy nhiên, khi xảy ra mất điện, nhà máy dừng sản xuất và cho công nhân nghỉ”, ông Tuân thông tin.
Theo ông Tuân, phía doanh nghiệp có bố trí các dãy nhà ký túc xá để công nhân lưu trú tại chỗ, tránh trú bão. Nhưng có một số công nhân, trong đó có người đã đăng nội dung kêu cứu lên MXH, đã không nghe rõ chủ trương của nhà máy nên đã lo lắng và lên mạng hỏi chỗ ở.
"Hiện phía công đoàn nhà máy cũng đang xác minh xem cụ thể công nhân nào đã phản ánh sự việc để làm rõ, báo cáo lên cấp trên", ông Tuân nói thêm.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng cho hay, ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng về việc phòng chống bão số 3, đơn vị đã có văn bản hướng dẫn đến từng doanh nghiệp; đồng thời cử cán bộ, lãnh đạo xuống tận các khu công nghiệp, các nhà máy của các tập đoàn lớn vận động họ tạm dừng sản xuất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Vị này cho rằng, về cơ bản thì khi tâm bão đổ bộ, không nhà máy nào có thể hoạt động được do mất điện, mất nước toàn thành phố.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã yêu cầu các khu công nghiệp, khu kinh tế và các nhà máy lớn tập trung cao độ cho việc phòng chống bão tại chỗ, hạn chế tối đa các dịch chuyển để đảm bảo an toàn, không khuyến khích việc tổ chức sản xuất với số lượng đông người xuyên bão.
Theo Hoài Anh (VietNamNet)