Hệ thống mái vòm được làm bằng thép, phần khung sơn màu trắng, chạy dọc chiều dài nhà ga. Các nhà ga trên cao thiết kế dựa trên hệ thống thông gió tự nhiên, đảm bảo ánh sáng và có thể chống lại các tác động của thời tiết xấu.
Công tác lắp ráp đang diễn ra thuận lợi, dự kiến ngày 30/4 hoàn thiện. Đến cuối năm 2018 đơn vị thi công sẽ làm thêm các mái vòm nhà ga trên toàn tuyến.
Mỗi nhà ga dài gần 140 m, được thiết kế hai tầng, kết nối với cầu bộ hành bờ Nam và Bắc qua Xa lộ Hà Nội (ngoại trừ ga cuối Suối Tiên). Do là công trình công cộng nên đơn vị thi công tạo điểm nhấn phù hợp với kiến trúc quy hoạch xung quanh.
Hệ thống thang cuốn, thang bộ và thang máy được lắp cho người dân đi vào khu vực thương mại tầng một và phòng đợi lớn gồm: khu vực đã mua vé tàu và chưa mua vé tàu, sân ga. Riêng khu thương mại gồm: các kiot, cửa hàng được bố trí riêng biệt với khu vực của hệ thống tàu điện...
Dự án tuyến metro số 1 có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Trong số 11 nhà ga trên cao, có 8 nhà ga loại A gồm: Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên và 3 nhà ga loại B, C, D gồm Tân Cảng, An Phú và Văn Thánh.
Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020. Hiện, trên toàn tuyến metro số 1 còn hai điểm thi công trên cao chưa được nối liền với nhau gồm: đoạn bắc ngang ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức) và đoạn chân cầu Sài Gòn giáp đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).
Riêng phần dự án đi qua khu vực phường Thảo Điền (quận 2) và Bình Thới đã được lắp lan can sắt. Trong khi đó, đoạn đi ngầm với 3 nhà ga đang được các nhà thầu thi công khẩn trương.
Theo Hữu Công (VnExpress.net)