Trong đêm đông lạnh buốt, khi đang quanh quẩn ở khu chợ “lợn bẩn”, chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông chừng 50 tuổi, mặc áo đen, đội chiếc mũ phớt bạc màu ngồi trong góc tường, trên tay cầm tệp tiền ôm ghì vào ngực. Giả bộ xuýt xoa vì rét, tôi tiến lại gần mời người đàn ông điếu thuốc, hỏi vu vơ: “Anh không ra mua thịt lợn à?”. Người đàn ông cười khẩy: “Tao có phải con buôn đâu, tao là chủ bãi ở đây, tao ra thu tiền lệ phí bọn mua bán lợn này”.
Thịt bẩn chuẩn bị được đưa vào nội thành Hà Nội tiêu thụ |
Như để quảng cáo cho “sới” của mình, ông này nói: “Thịt lợn tập kết ở đây đều được các chủ lò mổ từ các huyện lân cận mang đến, ngoài ra còn có ở Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Toàn bộ số thịt này đều không được kiểm tra mà tự các chủ mổ mang đến bán nên rất rẻ”.
Khi tôi hỏi: “Có khi nào cơ quan chức năng đến kiểm tra “chợ” không? Các anh có đóng phí không?”, người đàn ông quả quyết: “Có dám đến, thích thì bọn này mời đi ăn thôi”.
Quan sát kỹ, chúng tôi thấy bao quanh khu chợ là ba người đàn ông đứng canh chừng, thu “phế” và một người phụ nữ đứng thu tiền xe. Đến khoảng chừng 5h30, thịt lợn được bán hết, người nhà của “chủ sới” lấy vòi nước rửa sạch toàn bộ diện tích vừa bán thịt như xóa dấu vết sau một đêm “chiến trường”.
Trạm Thú y nói có, quản lý thị trường bảo không
Trao đổi với PV, ông Hoàng Vĩnh Hiền (Đội trưởng Đội QLTT số 21) cho biết: “Hiện tại, tôi không biết ở xã Bình Phú có một chợ buôn bán thịt lợn vào ban đêm như Báo Giao thông phản ánh. Chúng tôi sẽ nhanh chóng xác minh vụ việc. Nếu có, Đội QLTT sẽ bàn với các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm. Tôi xin khẳng định, Đội QLTT không dung túng, bảo kê đối với hoạt động buôn bán thịt lợn sai quy định trên địa bàn xã Bình Phú”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Đáng (Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thạch Thất), điểm bán thịt lợn ban đêm tự phát tại Cống Đặng, xã Bình Phú đã hoạt động nhiều năm nay. Nếu đại diện Đội QLTT số 21 nói không biết là không chính xác, vì ngay từ đầu năm huyện đã tổ chức tổ liên ngành bao gồm: Đội QLTT số 21, Trạm Thú y, Phòng Kinh tế, phòng Y tế huyện kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại xã Bình Phú, trong đó có chợ đêm thịt lợn Cống Đặng.
“Trên địa bàn huyện, lò giết mổ lợn toàn nhỏ lẻ nên không kiểm dịch được. Tại điểm bán thịt lợn luôn có một cán bộ thú y xã kiểm tra vệ sinh thú y. Khi chủ lò đổ hàng xuống bán, nếu thấy thịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cảm quan, trình độ chuyên môn thì sẽ cho giao dịch. Người này cũng sẽ trực tiếp thu phí vệ sinh thú y với giá 135 đồng/kg, khoán cho mỗi tháng nộp vào ngân sách 1,5 triệu đồng và có trách nhiệm phun thuốc sát trùng, vệ sinh sạch sẽ sau khi chợ tan”, ông Đáng cho biết.
Trong biên bản kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm năm 2014 lập ngày 1/4/2014 của tổ kiểm tra liên ngành huyện Thạch Thất (Phòng Kinh tế, Trạm Thú y, Đội QLTT số 21) ghi rõ: “Xã Bình Phú có một chợ Nủa và một chợ đêm Cống Đặng có kinh doanh, buôn bán động vật và sử dụng động vật với số lượng tương đối lớn”. |