Nằm ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhà máy xử lý phân hữu cơ, bể phốt chi nhánh Cầu Diễn (trực thuộc công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, Tổng công ty Môi trường đô thị Hà Nội – Urenco 7) là đầu mối duy nhất tại Hà Nội có tư cách pháp nhân và thiết bị, máy móc để xử lý toàn bộ khoản “đầu ra” của người dân Thủ đô.
Việc xử lý phân hữu cơ, bể phốt được tuân thủ theo quy trình khép kín để đảm bảo mùi hôi thối không bị phát tán. Một trong những yêu cầu nghiêm ngặt, đó là không được phép tập kết, đổ chất thải lộ thiên.
Tuy nhiên, trên bãi đất phía sau nhà máy là một hố chứa phân, chất thải chưa qua xử lý hàng chục khối, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.
Hố chứa phân thải chưa qua xử lý này có chiều rộng khoảng vài ba mét; chiều dài tới gần chục mét. Mép hố được quây sơ sài bằng những viên gạch; đáy bể không có lớp chống thấm theo như quy định của ngành xử lý rác thải, chất thải. Phần cuối của bể chứa phân thải này là một đoạn rãnh hẹp hơn, dẫn nước thải xuống chân bãi đất.
Tại phần tiếp giáp mép hố với đường đi, nước phân thải dềnh qua mép, thấm loang mặt đường. Dấu vết còn khá mới cho thấy, ai đó đã xúc đất để phủ lên, ngăn không cho nước phân loang rộng.
Liền kề với bể chứa phân này là một hố rộng vài chục khối vừa được hoàn thiện, có lớp bạt chống thấm phủ bên trên; nhiều đầu ống nhựa đấu nối với hố chứa bắt thông với đường ống nhựa dài hàng trăm mét dẫn xuống khu nhà xưởng lợp mái tôn – nơi tập kết phân thu gom từ các bể phốt trên địa bàn Hà Nội để tập trung xử lý.
Bể chứa phân thải chưa qua xử lý là phần nằm bên trên khu đất nhô cao phía sau nhà máy. Một đường ống khác đấu nối với đường ống thoát nước từ bên trong nhà máy xả thẳng xuống sông Nhuệ.
Đoạn sông Nhuệ đi qua khu vực Cầu Diễn, Tây Mỗ chưa được kè hai bên. Nước sông đen kịt; rác thải lềnh phềnh.
Từ đường ống bắt ngang qua đường nối với hệ thống ống cống từ bên trong nhà máy, nước màu đen đổ thẳng ra sông.
'Vấn đề lịch sử'
Phó giám đốc Urenco 7 Chi nhánh Cầu Diễn Nguyễn Hoàng Anh thừa nhận với VietNamNet có tồn tại bể chứa phân khổng lồ bên trên khu đất cao phía sau nhà máy, tuy nhiên, đó là "vấn đề lịch sử".
“Từ khi chúng tôi được giao nhiệm vụ phụ trách chi nhánh Cầu Diễn, bể chứa này đã có. Chúng tôi khẳng định không bao giờ đổ phân thải trực tiếp ra môi trường, nhất là khi chưa được xử lý”.
Ông Hoàng Anh cũng khẳng định, theo quy định, phân thải bể phốt chưa qua xử lý không được phép đổ thẳng vào hố đất hoặc chôn lấp. Trong quy trình xử lý của đơn vị, xe bồn đổ phân thu gom vào một bể chứa bê tông; sau đó dẫn sang các buồng, ngăn… để tiến hành các công đoạn xử lý.
“Gần đây, chúng tôi có đào 2 hố đất bên trên khu bãi phía sau nhà máy, có phủ lớp bạt địa kỹ thuật chống thấm, mục đích là làm hố chứa dự phòng vào mùa mưa bão sắp tới, khi bể chứa cũ hết khả năng chứa. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, hai hố này vẫn chưa dùng đến”.
Giải thích thêm, ông Hoàng Anh cho hay: Đường ống nhựa được đấu nối với các hố chứa dự phòng này dẫn thẳng xuống khu vực xử lý, chứ không bao giờ có chuyện đổ xuống đất hoặc chôn lấp.
“Chúng tôi không dại gì mang phân thải đi chôn lấp, tiêu hủy, khi mà các chế tài, giám sát kiểm soát ngày càng chặt chẽ. Hơn nữa, công suất của dây chuyển xử lý chất thải hữu cơ, bể phốt của nhà máy là 300 m3/ngày đêm; hiện tại chúng tôi mới vận hành 1/5 công suất, tương đương 60 m3/ngày đêm.
Khi mà phân thải thu gom về còn chưa đủ để chạy hết công suất, không ai dại gì lại mang đi tiêu hủy, đổ thải ra môi trường cả”.
Về hố phân thải đổ trực tiếp xuống bãi đất phía sau nhà máy, PGĐ chi nhánh Cầu Diễn khẳng định, đó là hành vi sai phạm, nhưng thuộc về các nhiệm kỳ trước.
Theo Thái Bình (VietNamNet)