Hải chiến Hoàng Sa 1974 sẽ có trong sách sử Việt Nam

22/08/2017 16:06:00

Bên cạnh bộ Lịch sử Việt Nam do Viện Sử học thực hiện và đã ra mắt còn có bộ Lịch sử Việt Nam (gồm 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện) là đề án cấp nhà nước, do GS Phan Huy Lê làm chủ nhiệm.

Bên cạnh bộ Lịch sử Việt Nam do Viện Sử học thực hiện và đã ra mắt còn có bộ Lịch sử Việt Nam (gồm 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện) là đề án cấp nhà nước, do GS Phan Huy Lê làm chủ nhiệm.

Bốn chiến hạm của hải quân Việt Nam cộng hòa tham dự trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 - Ảnh tư liệu

Thay đổi cách gọi đối với chế độ Việt Nam cộng hoà là thái độ khách quan của những người làm sử, bởi Việt Nam cộng hoà là một thực thể đã tồn tại trong lịch sử nước ta.

Không dùng cách gọi mang màu sắc chủ quan là đúng đắn và thể hiện tinh thần hoà hợp, hoà giải dân tộc.

Tôi mong rằng, đồng bào ở hải ngoại cũng nên có cách nhìn nhận khách quan về các thực thể chính quyền đã từng tồn tại ở Việt Nam trong giai đoạn lịch sử 1954-1975.

Thời kỳ đó, trên lãnh thổ Việt Nam hình thành hai chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà ở miền Bắc và Việt Nam cộng hoà ở miền Nam.

Bỏ qua sự khác nhau về ý thức hệ thì mỗi chế độ đều lo phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống của người dân, đảm bảo chủ quyền của đất nước. Những việc này phải mô tả việc khách quan trong lịch sử.  

GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)

Đề án huy động hơn 250 nhà khoa học lịch sử, một số chuyên gia nước ngoài cùng một hội đồng khoa học gồm 21 nhà khoa học làm nhiệm vụ tư vấn.

Trả lời chúng tôi, GS.TSKH VŨ MINH GIANG (phó chủ nhiệm đề án Nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam) cho biết sẽ có những điểm mới trong bộ quốc sử đang được triển khai.

* Bộ thông sử quốc gia này sẽ có những điểm gì mới, thưa ông?

Hải chiến Hoàng Sa 1974 sẽ có trong sách sử Việt Nam

GS.TSKH VŨ MINH GIANG - Ảnh: NVCC

- Bộ thông sử sau khi hoàn thành sẽ được công bố trước dư luận trong nước và quốc tế là bộ sử tầm cỡ quốc gia.

Một trong những điểm mới căn bản của việc biên soạn bộ sử này là đề cao nguyên tắc toàn bộ (Entire history) và toàn diện (Complete history), đồng thời cố gắng cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất về lịch sử Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Nguyên tắc toàn bộ, hay còn gọi là lịch sử đầy đủ, là trình bày đầy đủ các biến cố lịch sử quan trọng từng diễn ra trên lãnh thổ nước mình một cách khách quan, khoa học.

Việt Nam là quốc gia có lịch sử lâu đời với những nội dung vô cùng phong phú.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, suốt một thời gian dài trước đây các bộ lịch sử Việt Nam thường được trình bày theo hướng nhấn mạnh dòng chảy của lịch sử người Việt (Kinh).

Theo đó, các nền văn minh và các vương quốc cổ đại phía Nam được thể hiện rất mờ nhạt, thậm chí hoàn toàn thiếu vắng trong các bộ thông sử.

Và trong thời hiện đại, bên cạnh Nhà nước cách mạng từng tồn tại những thực thể chính quyền như chính phủ quốc gia Việt Nam, Việt Nam cộng hòa.

Nếu bỏ qua, không nhắc tới những thực thể lịch sử này sẽ dẫn tới thiếu hụt trong nhận thức lịch sử.

Tất nhiên trình bày lịch sử phải có lợi cho dân tộc, nhưng phải diễn đạt khách quan, khoa học. Bộ Lịch sử Việt Nam sẽ trình bày toàn vẹn các thực thể chính quyền đã tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam.

Chính phủ quốc gia Bảo Đại cũng sẽ được đề cập.

Ông Trần Văn Hữu, là thủ tướng chính phủ quốc gia Việt Nam, từng đứng trước hội nghị quốc tế hơn 50 nước tại San Francisco tuyên bố rõ ràng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Những sự kiện này rất cần phải đưa vào sách sử.

Những thực thể lịch sử đóng góp đến mức độ nào đối với tiến trình lịch sử Việt Nam đều cần được đặt ra xem xét. Đây là lần đầu tiên bộ thông sử quốc gia đặt vấn đề này.

* Nếu vậy, trong bộ sử này có đề cập đến những câu chuyện trong lịch sử hiện đại Việt Nam như thuyền nhân Việt Nam, cải cách ruộng đất...?

- Nói tới quan điểm toàn bộ không có nghĩa là tất cả những điều chưa được nói tới trước đây đều đưa vào bộ sử này.

Không phải né tránh, nhưng khi đưa nội dung nào vào bộ sử cũng phải đảm bảo rằng sự kiện đó đã được nghiên cứu thấu đáo.

Đây là công trình khoa học nên khi chưa có nghiên cứu đầy đủ thì chưa thể thành nội dung trình bày trong bộ thông sử.

Chẳng hạn như vấn đề cải cách ruộng đất, tuy đến giờ chưa thể nói là đã có những nghiên cứu sâu sắc nhưng khi đã có những kết luận tương đối khoa học thì sẽ đưa vào.

Hoặc vấn đề thuyền nhân Việt Nam.

Đó là thời kỳ mà đất nước chúng ta cực kỳ khó khăn: lạm phát phi mã đến mấy trăm phần trăm; chính trị vẫn còn những vấn đề chưa giải quyết được sau năm 1975; kinh tế thiếu đói; đời sống khó khăn. 

Đó là hệ quả tất yếu của câu chuyện thuyền nhân Việt Nam mà cần trình bày để mọi người chấp nhận được.

* Bộ thông sử quốc gia có nói về cuộc kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược trên mặt trận biên giới phía Bắc từ năm 1979 không, thưa ông?

- Dù quan hệ giữa ta và Trung Quốc như thế nào, việc Trung Quốc huy động 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam vào tháng 2-1979 là một sự kiện lớn trong lịch sử nước ta.

Bởi nếu không viết về cuộc chiến này thì truyền thống chống ngoại xâm của Việt Nam có một lỗ hổng lớn. Điều này không có lợi trong việc duy trì sức mạnh của dân tộc.

Cách định danh sự kiện có dùng cụm từ “Trung Quốc xâm lược Việt Nam” hay không thì cần cân nhắc và không quá câu nệ.

Bởi chữ “xâm lược” là từ đầy biểu cảm, hiện nay trên thế giới cũng hạn chế dùng, mà thay bằng các thuật ngữ quân sự.

* Những cuộc hải chiến bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam có xuất hiện trong bộ sử này hay không?

- Bộ sử sẽ đề cập toàn bộ quá trình từ khi ông cha chúng ta bắt đầu xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đến bây giờ.

Những cuộc hải chiến bảo vệ chủ quyền hai quần đảo này của Việt Nam cũng được viết có hệ thống.

Đó là sự kiện năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, cuộc hải chiến năm 1988 của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

* Những quan điểm sử học mới đang được xác lập, nhưng làm sao để những thành tựu này đi vào sách giáo khoa, đến được với học sinh và đại đa số công chúng?

- Việc đưa các thành tựu sử học vào sách giáo khoa nhanh hay chậm đều tùy thuộc Bộ GD-ĐT.

Đây là việc không đơn giản, nên phải tìm cách để những thành tựu này được đến với học sinh và người dân nhanh nhất.

Thành tựu văn học nghệ thuật ở miền Nam trước năm 1975 cần được ghi nhận

Tôi đồng tình với những quan điểm phản ánh lịch sử theo đúng sự thật mà nó đã diễn ra trong quá trình phát triển của dân tộc và nhân loại.

Dù không phải là người làm sử, nhưng tôi hiểu rằng trước đây chúng ta đánh giá thấp nhà Mạc, nhà Hồ... vì chúng ta theo quan điểm phò chính thống.

Nhưng khi một triều đại suy thoái thì có một triều đại mới thay thế là điều bình thường trong lịch sử.

Nên nhìn nhận xem triều đại đó có đóng góp gì và đóng góp như thế nào cho tiến trình lịch sử dân tộc.

Những tác phẩm khoa học, văn học, nghệ thuật ở cả hai miền Nam – Bắc thời kỳ đó ra sao cũng cần được đánh giá công bằng. Những tác phẩm có giá trị phải được ghi nhận.

Hiện nay chúng ta nghiên cứu về văn học miền Nam dưới chế độ Việt Nam cộng hoà còn rất ít và chưa phản ánh được đầy đủ, khách quan.

Những tác phẩm có giá trị nhân văn của cộng đồng 3 triệu đồng bào ở hải ngoại cũng cũng phải được nghiên cứu về đề cập.

Các nhà nghiên cứu phải nỗ lực để có thể ghi nhận được thành tựu đó ở cả hai miền.

Các chế độ chính trị trong một lãnh thổ quốc gia là sự nối tiếp liên tục.

Chính quyền Việt Nam cộng hoà đã tiếp nối các triều đại trước mà quản lý các vùng biển, đảo của nước ta như: dựng bia chủ quyền, cử người ra bảo vệ đảo, dựng các đài quan trắc, chiến đấu bảo vệ đảo khi có kẻ xâm lược...

Chúng ta phải thừa nhận sự khách quan ấy và đó cũng là cách khẳng định chủ quyền liên tục của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Sách giáo khoa phổ thông phải phản ánh thành tựu ổn định của giới nghiên cứu. Nên các nhà nghiên cứu luôn là người đi trước.

Những quan điểm, thành tựu mới của giới sử học trong bộ sách Lịch sử VN (Viện Sử học biên soạn) cũng phải được cập nhật trong sách giáo khoa.

Các sách giáo khoa văn học cũng phải viết về thành tựu nghiên cứu văn học ở cả hai miền Nam - Bắc bởi đó đều là tài sản chung của cả dân tộc.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)

Theo Vũ Viết Tuân (Tuổi Trẻ)

Nổi bật