“Mẹ ơi…mẹ đừng bỏ con mà đi…”
Cha mẹ của hai chị em là ông Trần Hoa D. (71 tuổi), bà Phạm Thị Đ. (64 tuổi). Cuộc sống gia đình trước nay vẫn luôn khó khăn vì chỉ có đồng lương nhà giáo của mẹ và tiền công sửa xe của ba.
Thế rồi dịch bệnh ập đến, giữa tháng 7, ông D. là người đầu tiên trong nhà dương tính Covid-19, phải đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị vì bệnh nặng.
Đến ngày 30/7, cả 3 mẹ con bà Đ. cũng nhận kết quả dương tính với Covid-19 và được chuyển đi cách ly ở Hóc Môn.
Tại khi cách ly, 3 mẹ con ở chung 1 phòng, mẹ bị nặng nhất, phải thở oxy nên 2 chị em thay nhau chăm mẹ.
Bà Đ. ngày càng yếu, các bác sĩ tiêm thuốc liên tục, không ăn uống được gì, đến ngày 4/8 thì mất. Tr. chỉ phát hiện mẹ đã ra đi mãi mãi khi lay hoài mẹ không trả lời. Em không muốn tin sự thật này nhưng tay chân mẹ lạnh ngắt, tim mẹ đã ngừng đập.
Đăng Tr. vẫn nhớ như in giây phút đó, em kể với PV VTC News rằng: "Em vừa đi dạo bên ngoài vào thì thấy mẹ nằm mà không thở, em lấy tay áp vào ngực mẹ nhưng không thấy tim đập nữa. Em gọi cho bác sĩ đến kiểm tra và bác sĩ nói mẹ mất rồi. Em quay ra hỏi chị thì chị nói mẹ mất rồi. Em khuỵu xuống".
Có lẽ cả đời này, cậu bé 10 tuổi sẽ không thể quên hình ảnh bác sĩ xịt khuẩn lên mẹ rồi đưa thi thể mẹ đi. "Lúc đó em đứng bên ngoài, em thấy mẹ như vậy em kêu "Mẹ ơi…mẹ đừng bỏ con mà đi…", Tr. nghẹn ngào nói.
Quá đỗi đau thương vì mẹ mất, hai chị em muốn gọi điện cho ba để báo tin nhưng chỉ nhận lại tiếng tút tút liên hồi trong điện thoại.
Hai chị em tìm mọi cách liên hệ với ba những ngày sau đó đều không được. Đến ngày 14/8, hai em mới biết cha cũng không thể chiến thắng căn bệnh Covid-19 quái ác, mất ngày 5/8 vừa qua.
Vậy là hai chị em T. và Tr. bỗng chốc mất cả cha lẫn mẹ chỉ trong hai ngày. Mới tháng trước cả gia đình còn quây quần bên nhau mà giờ đây hai em bỗng thành trẻ mồ côi trong đại dịch Covid-19.
"Ba đã hứa dẫn em đi tựu trường mà giờ âm dương cách biệt"
Đã 1 tháng kể từ khi hay tin cha mẹ đều đã qua đời, hai chị em Ngọc T. và Đăng Tr. vẫn chưa thể có một giấc ngủ ngon, nhiều đêm tỉnh dậy vì cảm thấy cha mẹ về nhưng lại khóc nức nở vì hiện thực quá đỗi tàn nhẫn.
Đến tận bây giờ, Tr. vẫn ôm ghì chiếc ba lô đựng quần áo của mẹ mang từ khu cách ly về để tưởng tượng mẹ chưa bao giờ rời xa em.
Được tặng chiếc bánh trung thu, Tr. không ăn mà ngồi bệt xuống nền nhà, vân vê chiếc bánh. Em nói với PV báo Sức khỏe & Đời sống rằng: "Trung thu này em chẳng còn ba mẹ cắt bánh cùng, ba đã hứa dẫn em đi tựu trường mà giờ âm dương cách biệt. Nhà con khó khăn, ba làm nghề sửa xe, mẹ làm giáo viên nhưng quây quần lắm, căn nhà nhỏ luôn rộn rã tiếng cười. Hồi mới nhiễm, bệnh còn chưa trở nặng em gọi điện thoại cho ba hoài. Hôm nào ba cũng bảo, khỏe re, đừng lo chi hết. Ba còn về làm lụng nuôi con. "Con Covy" nó sẽ hết đi thôi, không quật ngã được ba đâu…vậy mà ba ra đi nhanh quá. Lời hẹn cả nhà cùng leo lên gác xép ngắm trăng rằm tháng tám đã không thực hiện được nữa".
Trong căn nhà 4 người thường quây quần ấm cúng, giờ đây chỉ còn hai chị em, sinh hoạt cũng trở nên đơn giản và sơ sài. Mọi việc đau buồn ập đến đột ngột, hai đức trẻ thơ dại không thể chuẩn bị chu toàn bàn thờ cho cha mẹ nên lấy tạm chiếc bàn học được kê sát vào góc tủ, bên trên cũng chỉ có hũ tro của mẹ và bát hương không hoa không nến. Hũ tro của ba hiện đang ở trên chùa, chưa biết bao giờ mới có thể đưa về đây, trong ngôi nhà thân quen.
Nhìn em trai gần như gục ngã, là chị lớn, T. tự nhủ phải trở nên mạnh mẽ hơn, thành chỗ dựa cho em trai. Cuộc sống của em, tính cách của em giờ đây như thay đổi hoàn toàn.
Cô gái nhỏ vốn sống hướng nội, vốn chỉ thích được ở một mình, hiếm khi gần gũi và nói lời yêu thương quan tâm đến bố mẹ dù trong lòng luôn thương bố mẹ thật nhiều.
Giờ đây khi bố mẹ không còn nữa, đến cả tiếng la mắng cũng là kỷ niệm xa xăm không bao giờ được nghe nữa. "Em cảm thấy trong nhà trống vắng lắm"- T. nói với PV Lao Động.
T. mong trở thành thợ làm tóc để đi làm kiếm tiền nuôi sống hai chị em, em luôn lo lắng cho tương lai của em trai nhiều hơn bản thân mình. Sau 2 ngày, cô gái nhỏ 18 tuổi bỗng thành trụ cột gia đình, vừa là chị vừa là mẹ nuôi nấng em với mong ước em trai sẽ có thể học đại học, thành đạt trong tương lại.
Ông Trần Khoa T. (anh cùng cha khác mẹ với chị em Tr., ngụ quận 6) cho PV Thanh Niên biết: "Tôi đã gọi cô giáo chủ nhiệm lớp 5/9 của trường Tiểu học An Lạc 2 hỏi thăm tình hình, chuẩn bị cho năm học mới của em trai. Còn bé lớn tôi sẽ ráng thu xếp để bé được đi học nghề uốn tóc mà bé yêu thích, thương nhất lúc này là sự thiếu thốn tình cảm cha mẹ. Cha và dì tôi đi quá đột ngột", ông Tuấn nói.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND phường An Lạc A cũng chia sẻ với nguồn trên rằng đã nắm được hoàn cảnh này nên mang sách vở mới đến tặng cho Đăng Tr. Hội phụ nữ cũng xung phong lo cơm nước cho hai em đến khi hết giãn cách. Phường sẽ tính toán tiếp phương án hỗ trợ hai em trong khả năng phù hợp.
Tổng hợp
Theo T.Hà (Trí Thức Trẻ)