Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã về việc tổ chức dạy học trong học kỳ II, tổng kết năm học 2023-2024 cấp trung học cơ sở.
Trong đó khẳng định, thời điểm này, toàn ngành đang chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 vào ngày 8/9-6. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị cử cán bộ, giáo viên, nhân viên có năng lực và phẩm chất tốt, đủ điều kiện, tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi, phục vụ thi theo phân công của Sở đồng thời chủ động rà soát và chuẩn bị về cơ sở vật chất cho kỳ thi.
Đặc biệt, việc đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập năm học 2024-2025.
“Việc học tập và đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường trung học phổ thông là quyền, nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc”, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo.
Những năm trước, đến dịp thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi, tại Hà Nội luôn xảy ra câu chuyện, phụ huynh “tố” giáo viên, nhà trường THCS gợi ý, thậm chí ép không cho học sinh đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Thay vào đó, giáo viên chủ nhiệm gợi ý học sinh nên đăng ký ngay vào lớp 10 THPT tư thục hoặc học nghề. Lí do được cho là nhà trường vì bệnh thành tích vì tính tỉ lệ số lượng học sinh thi đỗ vào trường THPT công lập.
Tuy nhiên, theo lý giải của các trường, sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 bậc THCS, học sinh được phân luồng, hướng nghiệp. Theo đó, những học sinh có năng lực chưa tốt thường được giáo viên tư vấn, giới thiệu thêm các lựa chọn khác như: đăng ký học trường nghề, đăng ký hồ sơ vào các trường THPT tư thục tuyển sinh bằng học bạ… nhằm giảm áp lực thi cử. Căn cứ để giáo viên định hướng học sinh đi học nghề là qua kết quả các bài kiểm tra định kỳ, thường xuyên, bài khảo sát trên lớp.
Tuy nhiên, do cách nói không khéo, học sinh, phụ huynh hiểu nhầm thành “ép hoặc cấm thi”. Cấp quản lý cơ sở giáo dục cũng không lấy kết quả thi tuyển vào lớp 10 để làm tiêu chí đánh giá thi đua đối với trường học.
Dẫu vậy, qua các năm phụ huynh vẫn không bằng lòng khi giáo viên định hướng cho con đi học nghề. Do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội một lần nữa, chấn chỉnh tình trạng giáo viên tư vấn học sinh yếu kém bỏ thi.
Theo Hà Linh (Tiền Phong)