Trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, sau Tết Nguyên đán, Sở Y tế Hà Nội báo cáo đã có 14 trường hợp nghi ngờ (có triệu chứng sốt, ho và có tiền sử đi từ vùng dịch về), nhưng hiện sức khỏe của tất cả các trường hợp này đều ổn định, không có bệnh nhân nặng, trong đó 3 trường hợp đã khỏi bệnh, hết các triệu chứng, 1 trường hợp đã có xét nghiệm âm tính với nCoV, các trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm.
Có 60 người tiếp xúc gần với 14 người này cũng đã được lập danh sách theo dõi sức khỏe. Hiện những người này chưa có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Dù chưa ghi nhận trường hợp nào của Hà Nội nhiễm bệnh, nhưng vì Hà Nội là điểm tụ của tất cả các tỉnh phía Bắc nên đứng trước nguy cơ xâm nhập, bùng phát dịch là rất cao. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, với việc mỗi ngày 3.000 trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc, 100% chúng ta đều có nguy cơ mắc bệnh trong khi hiểu biết về dịch còn hạn chế.
Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế đã đưa vào hoạt động đường dây nóng phòng dịch với số máy: 19003228, hoạt động 24/7 để tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến công tác phòng chống dịch.
"Đây là bệnh rất mới, nghĩa là không ai có miễn dịch. Do đó, sự tham gia của từng người dân là rất quan trọng trong việc chống dịch", ông Nguyễn Nhật Cảm nói. Theo đó, công tác phòng chống dịch ở nước ta nói chung cũng như Hà Nội nói riêng đã được triển khai rất chủ động, vì xác định sớm muộn gì dịch cũng xâm nhập vào Việt Nam.
Kiểm tra từng nhà hàng, cấm việc mua bán tất cả động vật hoang dã
Trước tình hình nghiêm trọng này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các chính quyền các phường, xã đi kiểm tra từng nhà hàng trên địa bàn, cấm việc mua bán tất cả động vật hoang dã, nhất là vùng ngoại thành, những vùng đang có lễ hội như chùa Hương. Khuyến cáo người dân đi lễ hội, đình chùa nên đeo khẩu trang.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu phun khử trùng cho tất cả 3.000 trường học trên địa bàn do trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất. Đồng thời yêu cầu Sở GD-ĐT phải triệu tập tất cả hiệu trưởng các trường để phổ biến việc rửa tay cho học sinh. Việc phun khử trùng phải được thực hiện xong trong ngày thứ 7 và chủ nhật này, tranh thủ lúc học sinh nghỉ học.
Chủ tịch TP Hà Nội cũng yêu cầu tất cả các quận, huyện của Hà Nội thành lập tổ kiểm tra các cơ sở có công nhân Trung Quốc đang làm việc, hướng dẫn phòng, chống dịch; giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện bệnh.
Trên thế giới, tính đến 10h sáng 30/1, ghi nhận 7.819 trường hợp mắc nCoV, trong đó có 170 trường hợp tử vong. Mỗi ngày, số mắc tăng thêm hơn 1.000 trường hợp. Ngoài Trung Quốc, nCoV đã lây lan sang 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra cảnh báo dịch ở cấp độ rất cao tại Trung Quốc, cấp độ cao ở khu vực và toàn cầu.Tại Việt Nam, tính đến sáng 30/1 đã ghi nhận hai trường hợp mắc nCoV là hai cha con người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, mắc bệnh tại Nha Trang và được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Hiện tại, cả hai bệnh nhân đều đã hết sốt, tình trạng sức khoẻ ổn định, một người đã khỏi bệnh với kết quả xét nghiệm lại đã âm tính với nCoV.
Tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp mắc nCoV. Các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng đã cách ly 14 trường hợp nghi ngờ vì có triệu chứng sốt, ho và có tiền sử đi từ vùng dịch về.
Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện tại, sức khoẻ của tất cả các trường hợp này đều ổn định, không có bệnh nhân nặng; 3 trường hợp đã khỏi bệnh, hết triệu chứng; một trường hợp có xét nghiệm âm tính với nCoV; các trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm.
Theo Minh Trang (Giadinh.net.vn)
http://giadinh.net.vn/y-te/ha-noi-yeu-cau-khu-trung-cho-tat-ca-3000-truong-hoc-20200130143540517.htm