Xây đập tràn trên sông Hồng, lấy nước 'hồi sinh' sông Tô Lịch
Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.
Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là TP. Hà Nội sẽ xây dựng đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo mực nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên các dòng sông.
Cụ thể, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Việc này nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.
Sông Tô Lịch 2000 năm tuổi
Cái tên Tô Lịch tương truyền lấy từ một thủ lĩnh là Thành Hoàng của Long Đỗ Hương, vì có công nhiều với dân nên khi mất được phong làm Long Đỗ Thần hay Tô Lịch Giang Thần của Long Đỗ Hương.
Sông Tô Lịch, còn được người dân gọi một cách thân mật là sông Tô, cũng từng là một hào nước thiên nhiên quy mô lớn bao quanh thành Thăng Long, giữ vai trò là một tuyến đường thủy quan trọng và phần nào xác định ranh giới của kinh đô xưa kia.
Trong quá khứ, sông Tô là một nhánh chảy từ sông Cái (nay là sông Hồng), và có kết nối với Hồ Tây. Thời kỳ nhà Nguyễn, mặc dù sông Hồng đã thay đổi dòng chảy và không còn chảy vào sông Tô, khiến cửa sông Tô bị nạn bồi lấp, song Tô vẫn duy trì vai trò của mình.
Tuy nhiên, vào năm 1889, người Pháp đã tiến hành lấp một phần của sông Tô để xây dựng 36 phố phường. Sau khi hai cửa sông bị chặn lại hoàn toàn, không còn liên kết với sông Hồng hay thông với Hồ Tây, sông Tô dần trở thành một con sông ô nhiễm nặng nề vì phải chứa lượng nước thải khổng lồ từ thành phố.
Con sông rộng lớn này, sau hơn 2000 năm lịch sử, trở thành một cống nước thải đen ngòm, không chỉ khiến Thủ đô mất đi một di sản tự nhiên quý giá mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cư dân xung quanh trong nhiều thập kỷ vừa qua.
Chính vì vậy, không chỉ riêng sông Tô mà cả các con sông khác cũng đang rất cần những sáng kiến, những giải pháp để được hồi sinh.
Nhiều lần nỗ lực "hồi sinh dòng sông chết"
Trong những năm qua, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để "hồi sinh" các dòng sông chết qua nội thành, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch.
Kể từ đầu những năm 2000, thành phố đã bắt đầu thực hiện dự án làm sạch và cải tạo bờ kè sông Tô Lịch. Đến năm 2009, Hà Nội đã xem xét một phương án là bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây và sau đó là vào sông Tô Lịch để thúc đẩy dòng chảy tự nhiên. Dù vậy, vì nhiều trở ngại, dự án này không được thực hiện.
Sau cơn mưa lớn đầu tháng 7 năm 2019, trong vòng hai ngày, sông Tô Lịch bỗng dưng nhận được lượng nước ước tính lên đến một triệu khối từ Hồ Tây, khiến cho mùi hôi của dòng sông giảm đi đáng kể và nước sông chuyển từ màu đen sang màu xanh.
Nhằm tận dụng những kết quả khả quan này, Công ty Thoát nước Hà Nội đã tổ chức một buổi tọa đàm để thu thập ý kiến từ các chuyên gia về việc bổ sung nước từ sông Hồng vào hồ Tây và từ đó cải thiện dòng chảy cho sông Tô Lịch.
Dựa trên đề xuất này, công ty đã đề xuất một kế hoạch đầu tư trị giá 150 tỷ đồng để xây dựng trạm bơm nước từ sông Hồng vào hồ Tây và sông Tô Lịch. Dù vậy, đến nay kế hoạch này vẫn chỉ nằm trên giấy và sông Tô Lịch vẫn giữ nguyên hiện trạng của một con cống lộ thiên.
Năm 2019, Hà Nội cũng đã thử nghiệm việc làm sạch sông Tô Lịch sử dụng chế phẩm Redoxy-3C tại khu vực phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Báo cáo ban đầu cho thấy một số cải thiện tích cực về mức độ ô nhiễm và mùi hôi của dòng sông.
Dù có một số kết quả khả quan, phương pháp này vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm và không được triển khai rộng rãi.
Bên cạnh đó, vào tháng 6 năm 2019, một phần của sông Tô Lịch dài hơn 200m cũng đã được xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Bio-nano của Nhật Bản, công nghệ này được kỳ vọng có khả năng phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở đáy sông mà không cần phải nạo vét.
Tuy nhiên, cả ba cách tiếp cận đều không đạt kết quả cuối cùng mong đợi. Vì vậy, cho đến nay, công ty Thoát nước Hà Nội vẫn tiếp tục áp dụng các phương pháp xử lý truyền thống như sử dụng sức người của hàng trăm công nhân cùng với trang thiết bị đơn giản để nạo vét bùn và chất thải trên sông.
Hy vọng, với phương án xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, sông Tô Lịch sẽ phục hồi trở thành cảnh quan đẹp của Thủ đô.
Theo Thái Hà (Nguoiduatin.vn)