Cụ thể, theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, hiện nay chưa có thí sinh là F0, mới có 11 học sinh của Hà Nội là F1 được phân bổ tại nhiều địa bàn dự kiến sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế đã chỉ đạo các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định các trường hợp dương tính (F0) và đơn vị xác nhận những trường hợp tiếp xúc gần với các ca dương tính là F1 phải bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Đối với trường hợp F2 (tiếp xúc với F1) và được cách ly tại nhà cho đến khi F1 liên quan âm tính thì F2 này hết cách ly. Còn đối với các thí sinh trong khu vực phong tỏa sẽ theo quyết định cụ thể của chính quyền địa phương về nơi cách ly.
"Bằng các biện pháp chuyên môn, phối hợp với các đơn vị có liên quan, ngành Y tế sẽ tham mưu cho chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã xác định thí sinh nào là F0, F1, F2 đang cách ly theo quy định và các thí sinh trong khu vực phong tỏa để bảo đảm chính xác, minh bạch và công bằng trong tuyển sinh", ông Hạnh nói.
Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, quy trình xác định F0, F1 và F2 được triển khai rất chặt chẽ.
Cụ thể, khi có kết quả xét nghiệm khẳng định trường hợp F0 bằng phương pháp RT-PCR, CDC Hà Nội chuyển kết quả F0 cho các quận, huyện, thị xã và công an để triển khai điều tra, truy vết. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các quận, huyện, thị xã sẽ chịu trách nhiệm tổ chức điều tra, truy vết F0, F1, F2 trên địa bàn.
Theo hướng dẫn thực hiện truy vết người tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trường hợp được xác định là F1 phải có tiếp xúc gần trong vòng 2m với ca bệnh trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng (như: Ho, sốt, mệt mỏi, mất vị giác, khứu giác...) và cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế. Nếu là người lành mang trùng (người không có bất cứ triệu chứng gì) thì ngày khởi phát được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Còn với trường hợp F2, là người tiếp xúc gần trong vòng 2m với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh (kể từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát) cho đến khi F1 được cách ly y tế.
Trong việc truy vết, cán bộ điều tra của CDC hoặc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cùng với chính quyền địa phương (gồm cả lực lượng công an) và y tế cơ sở sẽ căn cứ vào "mốc dịch tễ" để truy vết F1.
"Mốc dịch tễ" là địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đã đi đến hoặc đã tham gia trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi bệnh nhân được cách ly y tế. Sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1, tiến hành truy vết F2 sẽ dựa trên "mốc dịch tễ" và khai báo của F1. Tiếp đến, chuyển danh sách F2 truy vết được cho địa phương để tổ chức cách ly y tế tại nhà theo quy định.
Theo quy định của Bộ Y tế, trường hợp F2 được yêu cầu cách ly tại nhà và hướng dẫn cách tự phòng bệnh và tự theo dõi sức khỏe trong khi chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR của F1. Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR của F1 dương tính với SARS-CoV-2 thì chuyển cấp cách ly tập trung F2 lên thành F1. Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR của F1 âm tính với SARS-CoV-2 thì F2 được kết thúc việc cách ly.
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm về việc đề xuất tuyển thẳng các trường hợp F0, F1 và xét tuyển với F2 bảo đảm đúng người, đúng đối tượng; phải thực hiện chính sách một cách chặt chẽ, tránh việc trục lợi chính sách.
"Khi các trường hợp F1 xét nghiệm âm tính thì trường hợp F2 sẽ được giải phóng không phải theo dõi y tế. Các em có thể tham gia kỳ thi tại các phòng thi như các thí sinh khác. Tuy nhiên, các điểm thi có thể tổ chức phòng thi riêng cho các trường hợp này để tạo tâm lý yên tâm cho các thí sinh khác", ông Dũng nói.
Cùng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố còn có 8 bệnh viện có khả năng xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, trong đó, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện xét nghiệm.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến thời điểm này, Sở đã quyết định tuyển thẳng 412 học sinh vào lớp 10 công lập.
Trong số này, chiếm số lượng nhiều nhất là học sinh khuyết tật với 238 em; ngoài ra còn có 99 học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú; 61 học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế văn hóa, thi khoa học kỹ thuật; 12 học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn nghệ, thể dục thể thao và 2 học sinh là người dân tộc ít người.
Những học sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng hoàn thành thủ tục nhập học từ ngày 1 đến 3/7/2021; nộp hồ sơ nhập học từ ngày 9 đến 12/7/2021.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố 4 nhóm đối tượng học sinh được xét tuyển thẳng vào lớp 10, gồm: Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển thẳng vào lớp 10 của trường này; học sinh là người dân tộc rất ít người (thuộc một trong 16 dân tộc gồm: La Ha, La Hủ, Pà Thèn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Si La, Pú Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu); học sinh khuyết tật; học sinh đoạt giải cấp quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Ngày 2/6 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội cũng đã chấp thuận đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tuyển thẳng vào trường công lập đối với các thí sinh thuộc diện F0, F1. Thời gian phân loại đối tượng thí sinh tính đến 17h ngày 11/6/2021.
Theo Hoàng Phong (Tienphong.vn)