ideo: Chuyên gia Nhật kiến nghị hoãn công bố kết quả làm sạch sông Tô Lịch
Ngày 16-7, Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, cho biết đơn vị đã gửi công văn tới Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội đề nghị lùi thời hạn kết thúc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor đến ngày 17-9.
Theo công văn, được sự giúp đỡ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội, các Sở, ngành, đơn vị liên quan của TP Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã thực hiện Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng Công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.
Công việc triển khai dự án, kết quả bước đầu rất khả quan dưới cả góc độ kỹ thuật và thực tế cảm nhận của người dân sống cạnh khu thí điểm.
Tuy nhiên, vào ngày 9-7, thực hiện chủ trương của UBND TP Hà Nội về công tác phục vụ thoát nước mùa mưa theo quy định, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch do mực nước của hồ Tây đang cao hơn quy định khoảng 25 cm.
Do vậy, trong 3 ngày 9 đến 12-7, khoảng hơn 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây đã được xả vào trực tiếp đầu nguồn sông Tô Lịch, nơi có khu thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch của dự án Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đang thực hiện.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đánh giá đây là nguyên nhân khách quan và đảm bảo an toàn cho TP trong mùa mưa nên việc xả nước là theo đúng quy định của UBND TP.
Tuy nhiên, nếu là thực hiện dự án trên cả dòng sông Tô Lịch, từ đầu nguồn phía bên kia đường Hoàng Quốc Việt cho đến cả dòng sông, thì hệ vi sinh vật có lợi được kích hoạt liên tục, và càng có dòng chảy thì hệ vi sinh vật này càng dễ khuếch tán và có tác dụng phân giải chất ô nhiễm, nhưng lần này họ thử nghiệm và đánh giá kết quả chỉ trong đoạn 300 m ở đầu nguồn, nên với lượng nước xả là 1,5 triệu m3 xả vào khu thí điểm của công nghệ Nhật Bản gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm từ 280 cống chảy vào sông Tô Lịch nhưng lại chỉ chảy cuồn cuộn vào khu xử lý từ 1 cửa xả đầu nguồn duy nhất.
"Hệ thống máy nano được gia cố và các bọt khí nano được tạo ra liên tục nên không bị ảnh hưởng bởi việc xả nước.
Tuy nhiên, sau khi chuyên gia Nhật Bản chúng tôi kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor thì thấy toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua đã trong chốc lát bị cuốn trôi và không còn ở khu 300 m để đánh giá nữa.
Nếu làm trên cả dòng sông thì dù hệ vi sinh vật có lợi có trôi khuếch tán đi và cả dòng sông có bọt khí nano thì có thể lấy mẫu thêm ở các vị trí trên giữa nguồn và hạ nguồn dòng sông thì vẫn đánh giá được kết quả.
Do vậy, gần như chúng tôi phải làm lại từ đầu và cần thời gian tối thiểu trên 1 tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi thì lấy mẫu đánh giá ở khu vực thí điểm mới chính xác, khách quan" - Công văn của Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản nêu rõ.
Do vậy, Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản báo cáo với Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội cùng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan về việc lùi thời gian thí điểm thêm 2 tháng tới ngày 17-9 (đây là dự kiến, tùy tình hình nếu có thể rút ngắn hơn, Tổ chức sẽ có văn bản báo cáo sau).
Cũng theo Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, Tổ chức hiểu việc xả nước từ hồ Tây là công việc thoát lũ mùa mưa để đảm bảo an toàn theo đúng chủ trương và chỉ đạo của UBND TP.
Tuy nhiên, do chỉ là thử nghiệm trên đoạn sông 300 m (chứ không phải trên cả dòng sông) nên Tổ chức đề nghị cố gắng điều chỉnh việc xả nước từ Hồ Tây sau khi thí điểm của Tổ chức hoàn thành, trừ trường hợp bất khả kháng bão lũ tràn về gây mất an toàn cho Hồ Tây thì bắt buộc phải xả nước.
Theo B.H.Thanh (Nld.com.vn)