Trầm cảm do dùng điện thoại quá nhiều
Đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, N.T.T T. (26 tuổi, ở Hà Nội) tuy đã đáp ứng điều trị, nhưng thân hình vẫn gầy ruộc vì bị trầm cảm trong thời gian kéo dài. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này vì T. nghiện chơi facebook trên điện thoại trong một thời gian dài.
Ngồi bên giường bệnh hướng mắt nhìn về phía con gái đang nằm bất động, ông Nông Quốc H. (bố đẻ T., quê ở Tuyên Quang) cho biết, học xong đại học, T. xin việc làm trong một công ty tư nhân sau đó lấy chồng ở Hà Nội. Sau khi lấy chồng một thời gian, T. đi khám các bác sĩ nói bị động thai cần phải chăm sóc cẩn thận.
Kể từ đó, T. nghỉ việc ở nhà dưỡng thai, trong thời gian này T. chỉ có chiếc điện thoại làm bầu bạn vì gia đình ai cũng bận công việc.
9 tháng 10 ngày sau T. hạ sinh một bé gái kháu khỉnh, T. được gia đình nhà chồng chăm sóc rất chu đáo, nhưng bà mẹ trẻ này vẫn không rời được chiếc điện thoại, suốt ngày vùi đầu vào facebook, thậm chí có những thái độ kỳ lạ như: bỏ bê trông con, quên cho con bú…
Sau sinh được hơn 1 tháng, T. và con về nhà bố mẹ đẻ chơi. Nhưng khi về nhà, T. đóng kín cửa nhốt mình trong nhà, chỉ nằm ôm điện thoại, không tiếp xúc với ai, việc trông con cũng khoán trắng cho ông bà, không nói năng gì…
Cứ như vậy liên tục gần 1 tháng trời, dù gia đình khuyên can rất nhiều nhưng không có chuyển biến gì. Quá lo lắng gia đình đã đưa T. đi viện khám và được các bác sĩ cho biết T. bị trầm cảm và phải điều trị.
Sau khi điều trị tại BV Bạch Mai, T. được đưa về nhà và thời gian này, gia đình cắt mạng, không cho dùng điện thoại.
Ngay lập tức T. xuất hiện những hành vi chống đối, khiến bệnh càng nặng hơn với các biểu hiện: không ăn, không nói, nằm bất động, đại tiểu tiện tại chỗ, gia đình phải đóng bỉm 24/24h…Do bệnh tình quá nặng, T. được chuyển xuống BV Tâm thần Trung ương điều trị.
Khi vào viện người bệnh gầy như xác ve
TS Tô Thanh Phương – Trưởng khoa Cấp tính nữ (BV Tâm thần Trung ương I), người đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T. cho biết, khi tiếp nhận nữ bệnh nhân này gầy như xác ve, không ăn uống gì, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ 100% người nhà và nhân viên y tế.
“Khi mới vào viện, bệnh nhân T. phải ăn qua đường xông, nằm bất động các nhân viên y tế và người nhà vô cùng vất vả trong việc chăm sóc.
Đến nay sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực như: mặt mũi hồng hào, tinh thần khoan khoái hơn và bắt đầu ăn được không cần qua đường xông…Tuy nhiên, để khỏi bệnh sẽ phải mất nhiều thời gian”, TS Phương cho biết.
Được biết, hiện ở khoa Cấp tính nữ đang điều trị cho 3 trường hợp nghiện điện thoại phải nhập viện, đáng nói là cả 3 trường hợp đều nặng và có tuổi đời rất trẻ.
TS Phương cho rằng, việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng lo lắng, bất an gia tăng, bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống…lâu dần sẽ sinh ra bệnh.
Tuy nhiên, do chưa hiểu biết nên nhiều phụ huynh phát hiện con mắc bệnh khi đã quá muộn. Lo ngại hơn, nhiều người còn nghĩ con bị ma làm, nên tìm cách chữa bệnh bằng tâm linh, khiến nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, khó phục hồi.
Trước thực trạng này, các bác sĩ khuyến cáo: “Khi thấy người thân, đặc biệt là trẻ vị thành niên có những biểu hiện bất thường, dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại, cần sớm đưa bệnh nhân đến các BV chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán và điều trị”.
Theo Lê Phương (Khampha.vn)