Ngày 5/5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc Covid-19, trong đó 14 ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Để chủ động ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành chỉ thị hoả tốc, yêu cầu tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Cụ thể, phát huy vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và huy động cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".
Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch cho các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất người tử vong.
Thần tốc truy vết đến cùng, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối các trường hợp F1, quản lý nghiêm ngặt các trường hợp F2 theo quy định.
Tổ chức khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, đảm bảo đúng quy mô, mức độ, số lượng đối tượng hẹp nhưng chặt chẽ. Đối với các khu vực đã phong tỏa cần kiểm soát chặt chẽ không cho người dân ra, vào theo đúng tinh thần "nội bất xuất - ngoại bất nhập". Bên trong khu cách ly, các hộ gia đình phải cách ly giữa nhà với nhà, người dân không được giao lưu.
Tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao, trong đó lưu ý các khu vực có nhiều chuyên gia, khu công nghiệp…, và các đối tượng có nguy cơ (người từ vùng dịch về, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở…) để đánh giá nguy cơ dịch bệnh và đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.
Tất cả các đơn vị từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải rà soát lại các phương án phòng chống dịch; nâng công suất, năng lực về truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị… chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng.
Dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng. Hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe.
Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, karaoke, quán bar, vũ trường, game, internet; các rạp, trung tâm chiếu phim; các cơ sở dịch vụ spa, massage, xông hơi, phòng tập gym; các hoạt động tập thể dục, thể thao, các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên cho đến khi có chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo Thành phố. Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo MINH NHÂN (Doanh nghiệp và Tiếp thị)