Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7h30 sáng 12/4, chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức 174, đứng thứ 2 trong "top" các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Chất lượng không khí ở mức màu đỏ “không lành mạnh”.
TPHCM có chất lượng không khí ở mức màu vàng “trung bình,” xếp thứ 34 trong số 125 thành phố ô nhiễm nhất.
Trước đó, sáng ngày 7/1/2025, Hà Nội xếp hạng 1 trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với chỉ số AQI là 264, mức "rất không tốt cho sức khỏe". TPHCM cũng xếp thứ 3, với chỉ số AQI là 193, mức đỏ "không lành mạnh".
Nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đánh giá, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn đã hình thành trong nhiều năm gần đây, tập trung tại hai khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc (xung quanh “vùng Thủ đô” Hà Nội) và phía Nam (xung quanh khu vực TPHCM).
Thành phần ô nhiễm chủ yếu đã được xác định là bụi đường, bụi PM10 và bụi mịn PM2.5, và xảy ra vào các tháng mùa đông, mùa xuân (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Ở Hà Nội, mức ô nhiễm cao hơn TPHCM do điều kiện khí hậu, thời tiết bất lợi.
Về các nguồn chính gây ô nhiễm không khí, theo Bộ NN&MT, do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do hoạt động giao thông bao gồm bụi đường; khí thải từ phương tiện giao thông cũ, nát; xe tải chạy dầu DO cũ; xe chở vật liệu xây dựng (đặc biệt là tại Hà Nội).
Ngoài ra hoạt động sản xuất công nghiệp mà trọng tâm là 4 nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng; nhà máy nhiệt điện; sản xuất sắt thép.
Quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ tại các khu đô thị hiện nay, do các công trình không che chắn, không có biện pháp ngăn bụi phát tán gây nên tình trạng ô nhiễm không khí.
Một nguyên nhân khác dẫn đến ô nhiễm không khí là các hoạt động đốt hở; đốt rác; phụ phẩm nông nghiệp; hoạt động dân sinh. Hoạt động này diễn ra phổ biến tại các điểm tập kết rác; đốt rơm rạ ngoài cánh đồng sau thu hoạch; đốt sinh khối để sưởi ấm; nướng thực phẩm ở khu vực ẩm thực; đốt vàng mã.
Đặc biệt với Hà Nội, do nằm trong vùng khí hậu gió mùa, bao quanh là dãy núi cao phía Tây, độ ẩm cao, ít mưa, nghịch nhiệt, không gió; gây nên hiện tượng chất ô nhiễm không thể khuếch tán, lắng đọng.
Kiểm soát xe tải vào giờ cao điểm, hạn chế xe cũ…
Thứ trưởng Bộ NN&MT Lê Công Thành cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng diễn biến phức tạp, vượt khả năng kiểm soát cục bộ. Bộ đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo thực hiện một loạt giải pháp tổng thể, đồng bộ hơn.
Về giải pháp khẩn cấp, Bộ NN&MT cho rằng, các địa phương, nhất là Hà Nội và TPHCM cần tăng cường các biện pháp rửa đường, phun nước giảm bụi, tăng cường cây xanh. Đặc biệt, chúng ta cần giám sát công trình xây dựng gây bụi bẩn; kiểm soát xe tải vào giờ cao điểm, hạn chế xe cũ…
Bộ NN&MT cũng đề xuất rà soát, cập nhật chính sách kiểm soát khí thải, ưu đãi cho giao thông xanh, quy định kỹ thuật về quan trắc và giám sát khí thải tự động.
Xây dựng dữ liệu tích hợp cảnh báo – chỉ huy – giám sát để kết nối toàn bộ thông tin nguồn thải và công bố công khai cho người dân.
Về kiểm soát nguồn thải, cần kiểm kê và phân loại các nguồn phát sinh khí thải để xác định chính xác mức độ ô nhiễm từng khu vực. Các cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Với khí thải phương tiện giao thông, Bộ kiến nghị phát triển hệ thống giao thông công cộng thân thiện môi trường và hạn chế xe cá nhân.
Các điểm nóng ô nhiễm sẽ được trang bị cảm biến phát hiện nhanh, cảnh báo từ xa, đặc biệt tại các điểm có nguy cơ đốt hở hoặc phát tán khí thải bất thường.
Theo Vũ Điệp (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/ha-noi-va-tphcm-chim-trong-bui-lot-top-thanh-pho-o-nhiem-toan-cau-2391614.html