Theo đó, để tiếp tục siết chặt và kiểm soát tình hình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu, từ 0h ngày 22/7, cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn thành phố đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch; công tác công vụ đảm bảo các yêu cầu, quy định phòng chống dịch được cấp thẩm quyền cho phép.
Ông Chu Ngọc Anh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án, đảm bảo công tác trực ban 24/24/7, đặc biệt tại các trụ sở cơ quan chính quyền các cấp, các cơ sở y tế tại địa phương để kịp thời xử lý mọi tình huống trong thời gian ngắn nhất.
Chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập theo quy mô phường, xã, thị trấn, khu đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng tại cơ sở, tổ Covid-19 cộng đồng phối hợp MTTQ cơ sở, các đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, quản lý, giám sát chặt chẽ người dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác.
Với những trường hợp về từ TP.HCM và các vùng dịch khác, thông báo trên phương tiện truyền thanh cơ sở, ghi rõ thông tin, danh sách, ngày về địa phương để người dân cùng chính quyền giám sát chặt chẽ việc di biến động, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm từ các vùng dịch khác về.
Chính quyền Hà Nội giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trực 24/24/7. Ngoài ra, tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 như ho, sốt, khó thở,… tại địa bàn.
Các cơ sở khám chữa bệnh được yêu cầu củng cố, mở rộng khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng. Đào tạo, thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu để sẵn sàng đào tạo, hỗ trợ cho các bệnh viện khác trên địa bàn.
Chủ động sẵn sàng chuẩn bị phương án, nguồn lực, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm theo Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế cho đơn vị Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 nặng. Đặc biệt chú ý hệ thống khí nén, oxy trung tâm, máy thở… để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát.
Các bệnh viện khẩn trương rà soát năng lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp II để hỗ trợ kịp thời xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo hướng dẫn tại Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế.
UBND TP yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết. Khi phát hiện các triệu chứng như ho, sốt, khó thở,…. cần chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế địa phương để được lấy mẫu, xét nghiệm, sàng lọc trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, theo Công điện 15, từ 0h ngày 19/7 Hà Nội siết chặt các hoạt động, dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu, các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về..., yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở.
Tuy nhiên, những ngày qua, một bộ phận nhỏ người dân chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vẫn còn hiện tượng tập trung đông người. Thành phố xuất hiện một số ca nhiễm tại cơ sở dược phẩm, hoặc được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt, khó thở,...
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)