Đại diện Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, tối 4.8, đơn vị có điều một xe bồn rửa sạch đường Nguyễn Chí Thanh, nhưng không có chuyện công nhân đứng dưới trời mưa tưới cây xanh.
Ngày 5.8, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh một công nhân mặc áo mưa đang đứng xịt nước tưới cây ở ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh- Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Ngay sau đó, nhiều người đã tỏ ra khá bất ngờ với hình ảnh trên và đặt câu hỏi tại sao thời điểm đó ở Hà Nội đang mưa lớn, công nhân vẫn đi tưới cây. Thêm nữa, Hà Nội đã mưa gần một tuần nay, cây xanh ở Hà Nội đã đủ nước, không cần tưới thêm.
|
Hình ảnh được cho là công nhân tưới cây dưới trời mưa tầm tã ở Hà Nội trên đường Nguyễn Chí Thanh: Ảnh Tùng Nguyễn
|
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng truyền thông Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, ngày 4.8, Sở Xây dựng Hà Nội có thực hiện thay thế cây trên đường Nguyễn Chí Thanh. Sau khi thay thế cây, đoạn đường Nguyễn Chí Thanh có nhiều đất văng ra gây bẩn.
Khoảng gần 12h đêm 4.8, đơn vị có điều 1 xe bồn chở nước rửa đường Nguyễn Chí Thanh.
“Khi xe rửa đường đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh- Huỳnh Thúc Kháng, đáng lẽ lái xe phải tắt máy bơm nước đi rồi mới quay đầu vào đường Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng do lái xe lười, không tắt máy bơm đi nên công nhân cầm vòi phụ ở phía sau có chĩa vòi vào bồn cây ở đường Nguyễn Chí Thanh”, ông Dũng giải thích.
Ông Dũng cho biết thêm, trong quá trình công nhân cầm vòi nước đi phía sau xe chĩa vào bồn cây ở đường Nguyễn Chí Thanh, một số người dân đã tình cờ chụp được bức ảnh trên.
“Tối 4.8, chúng tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ rửa sạch đường Nguyễn Chí Thanh- Huỳnh Thúc Kháng chứ không có tưới cây xanh trên tuyến đường này. Người dân xem xong hình ảnh nghĩ công nhân đang tưới cây xanh tại thời điểm Hà Nội đang có mưa lớn là hiểu lầm”, ông Dũng nói thêm.
Theo ông Dũng, vào tối 4.8, trên đường Nguyễn Chí Thanh có nhiều đất, đường bẩn nên ngoài hai vòi nước xịt ở phía đầu xe, công nhân còn mở thêm một vòi phụ ở hông xe để rửa đường được sạch hơn.
Nguyên tắc khi rửa đường, khi rửa sạch hết một đoạn đường lái xe phải tắt máy bơm đi. Khi xe sang một đoạn đường mới, lái xe mới được phép bật máy bơm trở lại. Tuy nhiên, trong trường hợp trên, lái xe đã lười không tắt máy bơm đi nên mới xảy ra sự việc trên và người dân hiểu nhầm công nhân đang tưới cây.
“Đối với lái xe không thực hiện đúng quy trình khi rửa đường, chúng tôi đã yêu cầu làm báo cáo, sau đó chúng tôi sẽ xem xét kỷ luật”, ông Dũng cho hay.
>> Hà Nội: Xôn xao bức ảnh công nhân tưới cây giữa...trời mưa
Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)