Khoảng 20 ngày nay, nhiều hộ dân tại KĐT Đại Kim luôn phải sống trong cảnh khốn đốn vì thiếu nước sạch. Để khắc phục tình trạng này, các hộ dân buộc phải xách từng xô nước từ dưới bể ngầm chung cư, riêng khu nhà liền kề người dân ngậm ngùi bỏ cả triệu đồng để mua nước sạch từ bên ngoài.
"Ngán tận cổ" cảnh thiếu nước
Việc thiếu nước sạch có lẽ đã trở thành "đặc sản" và cũng là nỗi ám ảnh đến sợ hãi đối với người dân trong khu vực bởi tình trạng này xảy ra liên tục từ năm nay sang năm khác, tháng này sang tháng khác. Nhiều người còn than rằng: "Chúng tôi nhịn 1 bát cơm, nhịn ăn cơm ăn cháo còn có thể chịu được nhưng nếu thiếu nước thì cuộc sống khốn đốn trăm bề".
Video mất nước sạch khiến người dân phải bỏ tiền triệu mua nước về dùng (Thực hiện: Lê Bảo). |
Và cũng tại khu vực này, chủ đề nước sinh hoạt trở nên nóng hơn bao giờ hết. Giữa Thủ đô nhưng cứ mỗi buổi chiều người dân tập trung lại, bàn các phương án đối phó với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Trẻ có, già có, thậm chí cả những cụ ông, cụ bà tuổi đã ngoài 80 vẫn phải xách từng xô nước sạch mang về dùng.
Người dân trong các tổ dân phố tại khu vực này đã đồng loạt kiến nghị lên các cơ quan chức năng sở tại để mong sao có nước sạch để dùng, nhưng hơn 20 ngày qua, nước sạch vẫn là thứ xa xỉ mà không phải cứ có tiền là được dùng.
Hàng chục người dân trong khu vực cùng họp bàn về việc làm sao để có nước sạch sử dụng. |
Năm 2016, hàng nghìn cư dân tại KĐT Đại Kim cũng từng chịu cảnh mất nước sạch triền miên trong một thời gian dài. Thời điểm đó, hàng chục bài báo, hàng chục đơn kiến nghị đã được người dân gửi đi khắp nơi, cuối cùng thì nước cũng đã về, bà con khi đó "vui mừng hơn bắt được vàng".
Năm 2017, khi nắng nóng tại Hà Nội đã lên tới đỉnh điểm, đường ống nước sạch lại tiếp tục gặp sự cố lần thứ 21 vào ngày 19/6/2017. Cũng từ khi đường ống dẫn nước sạch Sông Đà từ Hòa Bình xuống gặp sự cố, hàng nghìn nhân khẩu tại KĐT Đại Kim lại phải sống trong cảnh khốn đốn vì thiếu nước.
Cảnh thiếu nước sinh hoạt đã từng xảy ra trong năm 2016, đến nay lại tiếp diễn. |
"20 ngày qua, chúng tôi đã quá khổ sở khi nước sinh hoạt liên tục thiếu. Ở các tòa chung cư B15 và B9, nước không đủ để máy bơm hoạt động, dân phải xếp hàng như thời bao cấp để xách từng xô nước lên các căn hộ trên cao. Riêng khu liền kề cạnh khu vực từ B1 đến B5, nước lúc có lúc không, thậm chí nước chảy nhỏ giọt đến mức khó tưởng. Chính vì thế, các hộ dân sống trong khu liền kề buộc phải mua nước từ các xe bồn bên ngoài với giá từ 1 – 1,1 triệu đồng/xe khoảng 5m3", bà Nguyễn Như Mai (60 tuổi), một người dân sinh sống tại đây bức xúc.
Bà Nguyễn Như Mai cho biết, không chỉ phải bỏ tiền triệu mua nước đổ vào bể ngầm, nhiều gia đình còn phải mua cả vòi bơm, máy bơm, bình chứa nước. |
Như vậy, các gia đình tại khu liền kề suốt hơn 20 ngày qua đã phải bỏ tiền hàng chục triệu đồng chỉ để mua nước sinh hoạt để dùng.
Bỏ tiền triệu mua nước sạch nhưng nước nhận về lại đầy lắng cặn
Chiều tối ngày 6/7 chúng tôi có mặt tại khu liền kề để ghi nhận cảnh thiếu nước sạch cũng như những bức xúc của người dân. Vào thời điểm chúng tôi có mặt, các đơn vị chức năng đã điều 2 chiếc xe bồn chở nước (mỗi xe khoảng 5-6m3) đến "cứu hạn" cho bà con.
Hàng chục hộ dân khu liền kề đang "khát nước". |
Nói về điều này, chị Hường sống tại khu liền kề B2 cho hay: "2 xe bồn không thấm vào đâu so với nhu cầu của bà con nơi này, chúng tôi sẽ ưu tiên những gia đình nào có người già cả, neo đơn hoặc khó khăn để nhận phần nước này".
Gia đình ông Tại bỏ 1 triệu đồng để mua 1 xe bồn nước nhưng khốn đốn vì nước quá bẩn. |
Ghi nhận tại gia đình ông, Phạm Văn Tại (65 tuổi- số nhà 51B2) bức xúc: "Từ khi mất nước đến nay đây đã là lần thứ 3 gia đình tôi phải mua nước từ những chiếc xe bồn. Mỗi chiếc xe bồn khoảng 5m3 nước có giá 1 triệu đồng, như vậy hơn 20 ngày qua gia đình tôi đã phải bỏ ra 3 triệu đồng để mua nước".
Nước lắng cặn dù gia đình ông Tại bỏ tiền triệu để mua về sử dụng. |
Giống như gia đình ông Tại, hàng chục hộ gia đình tại các dãy liền kề đều phải lựa chọn phương án mua nước từ các xe bồn.
Tuy nhiên, theo một số người dân phản ánh chất lượng nước tại các xe bồn cũng không đảm bảo. Hơn nữa, họ không được trực tiếp nhìn thấy những xe bồn này lấy nước tại đâu và nguồn nước có được đảm bảo?
Hình ảnh minh chứng cho việc cung ứng nước nhỏ giọt từ đường ống mà phía Viwaco cung ứng cho người dân. |
Bức xúc về điều này, ông Tại cho rằng: "Chiều ngày 4/7 tôi phải gọi mua 1 xe bồn nước giá 1 triệu đồng, nhưng sau đó tá hỏa phát hiện chất lượng nước vô cùng bẩn, chỉ cần múc lên để một lát sẽ thấy cặn bẩn trôi lập lờ rồi lắng xuống đáy chậu".
Theo ví von của nhiều người nơi này rằng, việc các xe bồn nước cung ứng nước không đảm bảo chất lượng đã và đang tạo nên sự nghi ngờ chủ các xe bồn lấy nước tại hồ Linh Đàm lên bán cho người dân?!
Đang chờ xây bể ngầm và trạm tăng áp
Được biết, toàn bộ khu vực xảy ra mất nước như chúng tôi phản ánh đều do Công ty cổ phần Viwaco (trực thuộc Tổng công ty cổ phần Vinaconex) quản lý, vận hành.
Trước sự phản ánh của người dân, phía Công ty cổ phần Viwaco cho biết: "Hiện nay tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn quản lý của Công ty cổ phần Viwaco gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các khu vực cuối nguồn như phường Định Công, Đại Kim trong đó có KĐT Đại Kim – Đinh Công mà nguyên nhân chủ yếu là do áp lực trên tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà – Hà Nội đã giảm khoảng 0,6m so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù công ty đã đầu tư bổ sung một số tuyến ống truyền tải, phân phối, vận hành điều tiết mạng lưới, vận hành hệ thống các trạm bơm tăng áp để tăng cường cấp nước cho các khu vực trên nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân".
Nước sạch đang là vấn đề nan giải của hàng nghìn người dân trong KĐT Đại Kim. |
KĐT mới Đại Kim – Định Công được cấp nước qua đồng hồ tổng DN150 trên đường Nguyễn Cảnh Dị, với lưu lượng trung bình hiện nay khoảng 1.300m3/ngày đêm.
Để đảm bảo việc cấp nước ổn định cho KĐT Đại Kim – Định Công, ngày 20/7/2016, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao cho Viwaco đầu tư xâ dựng trạm bơm tăng áp, bể chứa 400m3 và yêu cầu đơn vị vận hành đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước trong khu đô thị để phục vụ cấp nước hè 2017.
Hiện bể chứa và trạm tăng áp vẫn đang thi công dở dang, người dân chưa biết đến khi nào mới hoàn thành. |
Sau khi làm hồ sơ cấp phép ngày 8/3/2017, Viwaco đã được UBND quận Hoàng Mai cấp phép xây dựng bể chứa và trạm bơm tăng áp.
Tuy nhiên, việc thi công bể chứa và trạm bơm tăng áp lại gặp sự phản ứng từ trường Quốc tế Việt Nam ISV về việc gây mất mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của nhà trường. Theo văn bản tư phía quận Hoàng Mai gửi các đơn vị liên quan vào tháng 6/2017 thì: "Trong thời gian UBND quận phối hợp với các Sở Ngành chức năng thống nhất các nội dung liên quan để có cơ sở báo cáo UBND Thành phố, về các kiến nghị của nhà trường, yêu cầu Công ty cổ phần Viwaco tạm dừng thi công hạng mục trạm bơm tăng áp tại vị trí trên".
Theo Lê Bảo (Trí Thức Trẻ)