Ca bệnh khởi phát sau 11 ngày đi du lịch từ Đà Nẵng về
Trao đổi với PV, ông Trịnh Thế Hưng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Huyện Phúc Thọ cho biết: " Ca bệnh có tên là Nguyễn Thị D, sinh năm 1990 ở Thôn 1, xã Vân Phúc. Đi du lịch cùng 6 người trong gia đình ở Đà Nẵng và về sân bay Nội Bài đêm ngày 26/7 . Sau đó có lái xe đón và di chuyển về nhà. Ngày 6/8 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng ban đầu ho sốt, được cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR và 3h sáng nay 7/8 cho kết quả dương tính."
Xác nhận với PV, ông Doãn Trung Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết: "Ca bệnh này đã dương tính, ngay sau khi có kết quả của bệnh nhân D, chúng tôi đã họp vào lúc 5h sáng và yêu cầu các đơn vị tập trung điều tra dịch tễ, phun khử khuẩn khu vực sinh sống của bệnh nhân. Hiện 7 F1 của bệnh nhân gồm người nhà và lái xe đều đã được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly".
Được biết, chiều 6/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội họp với Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố và lãnh đạo các, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn bằng hình thức trực tuyến.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu, tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước đang diễn biến phức tạp và khó lường. Thủ đô đã có 105 ngày bình yên trước khi cả nước xảy ra đợt dịch mới. Trong giai đoạn trước Hà Nội đã xử lý và khống chế thành công dịch bệnh. Ở giai đoạn này, ngay khi phát sinh ca bệnh đầu tiên, thành phố đã vào cuộc quyết liệt, trong khi đó lượng người từ Đà Nẵng về Hà Nội rất lớn, đến nay, đã lên trên 94.000 người và chưa dừng lại, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao, gây khó khăn cho quá trình truy vết của các đơn vị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, thuận lợi so với giai đoạn 1 là ở giai đoạn này, thành phố đã có kinh nghiệm, có sự tin cậy của người dân, sự đồng lòng của các cơ quan, sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng. Trong khi đó, khó khăn nằm ở tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng; thiếu vật tư thiết bị và máy móc xét nghiệm PCR...
Về quan điểm, giải pháp, Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng tình với cách đề xuất của thành phố. Bí thư cho rằng, điều quan trọng là toàn Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh 8 giải pháp, 5 nghiệm vụ cấp bách đối với thành phố Hà Nội. Cụ thể, Thường trực Thành ủy yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch từ trước đến nay cả về con người, cơ chế, phương thức phối hợp giữa các lực lượng theo mức độ diễn biến dịch bệnh xảy ra nhưng cao hơn 1 mức so với kịch bản phê duyệt từ ban đầu.
Giao BCĐ phòng, chống dịch bệnh thành phố nghiên cứu để nâng mức cao hơn nữa cho một số khu vực có ổ dịch cũng như có rủi ro cao hơn mức chung của toàn Thành phố; một số hoạt động phải thực hiện như quy định của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Từ Thành phố đến cơ sở, phải rà soát các điều kiện để bảo đảm yêu cầu "4 tại chỗ".
Theo đó, rà soát lại để xem khả năng đáp ứng yêu cầu, khả năng cung ứng cho dịch bệnh, mua sắm công khai minh bạch theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Sở Công Thương rà soát toàn bộ khả năng cung ứng vật tư hàng hóa, lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm khác, không để trường hợp thiếu hụt xảy ra.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác truy vết, phát huy vai trò then chốt quan trọng của cán bộ thôn, tổ dân phố, công an xã... Tuy nhiên, ngoài truy vết F1, các trường hợp có triệu chứng, trường hợp đi về từ vùng dịch phải lưu ý vấn đề rà soát để kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh.
Về vấn đề xét nghiệm, đồng tình với ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị tập trung ưu tiên xét nghiệm PCR theo diện rộng; ngoài các bệnh viện của Hà Nội phải huy động bệnh viện tư nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên xét nghiệm các trường hợp F1, người có triệu chứng.
Bên cạnh đó, kết nối với hiệu thuốc để xác định trường hợp nghi nghờ. Bên cạnh vấn đề khoanh vùng, cách ly và thực hiện giãn cách kịp thời theo mức độ phù hợp với thực tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhắc nhở các đơn vị sẵn sàng, tập trung chữa trị; tính toán trường cho trường hợp xấu nhất; rà soát các cơ sở y tế của Thành phố có khả năng chữa trị, xem xét lại phương án Bệnh viện dã chiến tại Mê Linh để sẵn sàng cho phương án này.
Theo Dương Lâm (Nhà Báo & Công Luận)