Từ đầu tháng 9 vừa qua, TP.Hà Nội đã thí điểm tổ chức các tuyến phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm) vào các ngày cuối tuần. Không gian đi bộ mới của Thủ đô nhanh chóng trở thành địa điểm vui chơi, giải trí của rất đông người dân dịp cuối tuần.
Tuy nhiên, nhiều người khi đi dạo ở khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm vẫn cảm thấy bất an khi có nhiều người dắt theo những chú cho không hề được rọ mõm.
Một thanh niên dắt chó ra phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm nhưng không hề rọ mõm. (Ảnh: Hồng Phú) |
Sáng nay (17.10), blogger Hiếu Orion (Trần Chí Hiếu) chia sẻ trên Facebook cá nhân (có hơn 420 nghìn lượt theo dõi) một bài viết liên quan đến việc dắt chó đi bộ quanh Hồ Gươm không rọ mõm.
Theo bài viết bloger nổi tiếng này, trước đó anh đăng tải bức ảnh một phụ nữ có nickname “J.V” dắt chó vào phố đi bộ và có “vài lời than thở”. Sau đó, nickname “J.V” cùng nhiều người yêu chó đã nhắn tin lăng mạ, đe doạ anh và dẫn luật cho rằng, theo quy định chỉ chó dữ ra đường mới phải rọ mõm.
Bloger Hiếu Orion cho biết, con trai anh mới 33 tháng tuổi nên không phân biệt được đâu là chó dữ, đâu là chó hiền nên khi gặp chó cháu bé đã hoảng sợ.
“Nó (con trai blogger Hiếu Orion - PV) và đám bạn nó từ giờ đã không dám lên Bờ Hồ chơi nữa rồi, vì đi 3 bước gặp 1 con chó… Chúng nó cứ nhìn thấy mấy con to gấp 2, gấp 3 chúng nó, mồm đầy răng là hốt !!!”, blogger Hiếu Orion chia sẻ.
Liên quan đến việc người dân dắt chó vào các tuyến phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm, trao đổi với PV, Đại tá Hà Mạnh Hùng – Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, UBND thành phố và UBND quận đã chỉ đạo các lực lượng thực hiện quyết liệt quy định về việc cấm thả rông chó mèo hoặc dắt chó không rọ mõm ở nơi công cộng, các địa điểm đông người, trong đó có cả không gian đi bộ Hồ Gươm.
Trao đổi với PV, ông Chu Phú Mỹ - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, theo quy định, khi dắt chó ra đường bắt buộc phải rọ mõm. Sở sẽ báo cáo, tham mưu UBND TP. Hà Nội về tình trạng báo chí phản ánh.
Bà Trần Thị Thu Hằng - Trạm trưởng Trạm thú y quận Hoàn Kiếm cho biết, từ ngày TP.Hà Nội thí điểm tổ chức các tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, trạm chưa ghi nhận trường hợp nào bị chó cắn. Hiện cán bộ của trạm ở các phường vẫn phối hợp cùng lực lượng chức năng để quản lý, theo dõi việc chăn dắt chó không rọ mõm ra đường.
Chó dữ là nguồn nguy hiểm cao độ
Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết, theo Bộ luật Dân sự 2005, thú dữ là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu chó dữ phải tuân theo quy định liên quan về chăn nuôi, trông giữ chó dữ.
Theo luật sư Tuấn Anh, hiện chưa có văn bản có giá trị pháp lý để phân biệt đâu là "thú dữ". Tuy nhiên, người chiếm hữu hợp pháp chó khi để xảy ra thiệt hại như để chó cắn người khác gây thương tích, hoặc gây chết người đều phải bồi thường theo quy định.
“Khi con chó cắn người gây thương tích nặng, hoặc cắn nhiều người thì cơ quan có thẩm quyền có căn cứ để xác định đó là “thú dữ” để yêu cầu chủ chó phải bồi thường thiệt hại cho người bị cắn theo Luật Dân sự”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Tuấn Anh cho biết, thông tư quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn (Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT) của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu rõ, chủ nuôi chó khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Trường hợp chó cắn, cào người khác thì chủ phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định.
Theo luật sư Tuấn Anh, người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 – 1.000.000 đồng. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tuy theo mức độ thiệt hại.
Theo Xuân Lực (Dân Việt)