Chiều 17/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện về tình hình dịch bệnh và công tác chủ động phòng, chống dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 14/2, UBND TP Hà Nội quyết định cấp bổ sung 214 tỷ đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Cũng theo ông Hạnh, tính đến 15h ngày 17/2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với COVID-19. Hiện tại Hà Nội đang giám sát tại bệnh viện 68 trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 (trong đó 77 trường hợp đến từ Vũ Hán; 9 trường hợp đến từ Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; 32 trường hợp đến từ các vùng khác của Trung Quốc; 13 trường hợp có tiếp xúc gần với người Trung Quốc/người đi về từ Trung Quốc có biểu hiện nghi mắc bệnh).
Số trường hợp đã xét nghiệm âm tính với COVID-19 là 66. Số trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm và tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ là 2 trường hợp (1 trường hợp ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, 1 trường hợp ở Bệnh viện Đống Đa).
"Hiện Hà Nội đang giám sát theo dõi sức khỏe người đi về từ vùng dịch tại cộng đồng 1.857 trường hợp, những người này được cách ly y tế tại nơi ở/nơi lưu trú. Hiện tại còn 336 người phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe", ông Hạnh cho hay.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, thành phố đang điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để tại nhà bệnh nhân và các khu vực liên quan của 68 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, lập danh sách theo dõi 464 người tiếp xúc gần. Tình trạng sức khỏe của tất cả những người tiếp xúc gần đều ổn định; chưa có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Không thể chủ quan trước dịch Covid-19 vì địa bàn Thủ đô có nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Ông Chung cho rằng, Sở Y tế nên tìm từ 2 – 4 bác sĩ có năng lực, kinh nghiệm lên Vĩnh Phúc học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu từ nguyên nhân gây ra dịch bệnh, cách phát hiện, cách cách ly…
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là tuyên truyền, vận động để người dân đi qua vùng dịch, đi về từ vùng dịch, hoặc thấy dấu hiệu bất thường phải tự giác thông báo với cơ quan y tế.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu thực hiện tốt biện pháp cách ly, chủ yếu tuyên truyền, vận động thực hiện, hạn chế phải cưỡng chế của chính quyền.
Đặc biệt, Sở Y tế phối hợp với Sở GD&ĐT phải tổ chức tập huấn cho giáo viên nắm bắt được dấu hiệu dịch bệnh, các biện pháp tiêu độc khử trùng. Khi quyết định đi học trở lại thì giáo viên phải biết các triệu chứng bệnh này, ứng xử phù hợp khi phát hiện.
Cùng với đó, cần lắp máy đo thân nhiệt tự động trong các lớp học. Tiến hành ngày đo 2 lần, trước khi vào lớp và sau khi tan học.
Ông Chung yêu cầu cuối tuần này tiếp tục phun tiêu độc, khử trùng lần thứ 4 tất cả các trường học trên địa bàn thành phố. Việc quyết định đi học trở lại hay không phụ thuộc vào tình hình thời tiết và đánh giá độ an toàn của thành phố.
Hà Nội triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) Hà Nội đã chính thức được Bộ Y tế đồng ý cho thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với các mẫu nghi nhiễm COVID-19.
Bắt đầu từ ngày 18/2, Trung tâm sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc. Mỗi ngày Trung tâm thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm được khoảng 40-50 mẫu và cho kết quả được trong vòng 24 giờ.
"Với những mẫu bệnh phẩm dương tính, Trung tâm sẽ gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiếp tục xét nghiệm khẳng định", ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh. Hiện trung tâm có năng lực xét nghiệm, có đủ thiết bị, nhân lực nên thời gian sẽ nhanh hơn.
Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)