Nhà vệ sinh bằng thép giá khoảng 1 tỷ đồng từng gây nhiều tranh cãi. Ảnh: ĐL. |
Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, đề xuất hoàn toàn phù hợp với chủ trương của thành phố về việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội phục vụ cho phát triển. Thực tế hiện nay, hệ thống nhà vệ sinh công cộng cũng như thiết bị cung cấp nước uống, ghế ngồi tại nơi công cộng trên địa bàn rất thiếu và không đồng bộ. Do đó, UBND thành phố đồng ý về chủ trương và cho phép đơn vị thực hiện đề án được khai thác quảng cáo ở các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn trong 10 năm để thu hồi vốn.
UBND thành phố yêu cầu các nhà vệ sinh công cộng phải đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm duy tu, vận hành trong suốt quá trình hoạt động các nhà vệ sinh công cộng này.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có 340 nhà vệ sinh công cộng, trong đó 236 nhà xây cố định, phân bố trong các ngõ xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà vệ sinh bằng thép được đặt trên đường phố, nơi vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt.
Cuối tháng 10/2013, UBND Hà Nội đã phê duyệt chủ trương xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Dự toán cụ thể được Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra: chí phí xây dựng 1,1 tỷ đồng, chi phí thiết bị 11,3 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 235 triệu đồng, tư vấn 485 triệu đồng, chi phí khác 874 triệu đồng và chi phí dự phòng 904 triệu đồng. Chi phí đề xuất cho chuẩn bị đầu tư dự kiến 358 triệu đồng. Sau khi có nhiều ý kiến không đồng tình về kế hoạch này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng dừng việc chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép trị giá 15 tỷ đồng. |
Theo Võ Hải (VnExpress.net)