Theo số liệu từ hệ thống quan trắc chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội, nhiều khu vực trong thành phố ghi nhận chất lượng không khí ở mức xấu, với chỉ số AQI dao động từ 151 đến 200. Đáng chú ý, vào khoảng 6h-7h sáng, điểm đo tại trước cổng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) cho kết quả ở ngưỡng "rất xấu" (màu tím), chỉ số AQI là 217.
Tình trạng ô nhiễm được ghi nhận tại một số khu vực khác gồm, khu vực số 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân) ở mức xấu, chỉ số AQI lần lượt là 191 và 172.
Tương tự, lúc 9h sáng, trạm quan trắc tại UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức) và đường Lưu Quang Vũ (quận Cầu Giấy) cũng cho thấy tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Cao nhất là khu vực phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chỉ số AQI là 200 (tiệm cận mức rất xấu); phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) là 161; xã An Khánh (huyện Hoài Đức) ở ngưỡng 160…
Đến hơn 8h sáng cùng ngày, trang tổng hợp hơn 30.000 trạm quan trắc không khí trên toàn thế giới (IQAir) công bố chỉ số AQI của Hà Nội đạt mức 223 – thuộc ngưỡng "rất xấu", chỉ đứng sau thành phố Dehli (Ấn Độ) về mức độ ô nhiễm toàn cầu.
Theo chuyên gia môi trường, hôm nay các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Hà Nội xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng, tốc độ gió thấp không khuếch tán được chất ô nhiễm. Ngược lại toàn bộ chất thải, bụi mịn PM2.5 phát sinh bị ép xuống bầu khí quyển tầng thấp, tạo thành màn sương mờ đục vào buổi sáng, nồng độ chất ô nhiễm ở mức cao ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Trước tình trạng chất lượng không khí chạm ngưỡng xấu và rất xấu (thang cảnh báo ô nhiễm 4/5) như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo nhóm người nhạy cảm, người mắc bệnh mãn tính, tim mạch… hạn chế các hoạt động mạnh và giảm thời gian hoạt động ngoài trời.
Khi ra ngoài, người dân đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 và khuyến khích lưu thông trên đường bằng các phương tiện công cộng hoặc các phương tiện có che chắn.
HL (SHTT)