* Tại Bệnh viện Nhi Trung ương: BS Trương Thị Vinh - Trưởng khoa Khám bệnh cho biết trong những ngày vừa qua lượng trẻ đến viện khám không có gì đột biến về số lượng. Mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng gần 3.000 trẻ đến khám. Đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ thăm khám và điều trị tiêu chảy tăng cao, chiếm gần một nửa số trẻ tới khám bệnh.
BS Vinh cho biết, nguyên nhân khiến trẻ nhập viện do tiêu chảy tăng cao vì môi trường và nhiệt độ mùa Đông Xuân rất thuận lợi cho loại virus gây bệnh phát triển. Đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ trẻ thường hay cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào chỗ có virus rồi đưa tay lên miệng, virus dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ.
Bệnh thường kéo dài khoảng 5-7 ngày, nặng nhất vào ngày thứ ba đến ngày thứ năm với tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng do bị đi ngoài nhiều lần.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh mùa lạnh cho trẻ, bố mẹ cần giữ ấm cho trẻ, không nên cho trẻ ra trời lạnh… Riêng đối bệnh về đường tiêu hóa, các bậc phụ huynh cần bảo quản thức ăn sạch sẽ, tránh ăn thức ăn ôi thiu, rửa tay trước khi ăn cho trẻ ăn, chế biến thức ăn an toàn và đảm bảo vệ sinh.
*Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương: Ths.BS Dương Văn Tâm – Trưởng khoa Liệt Vận động và ngôn ngữ trẻ em cho biết, hiện mỗi ngày viện vẫn tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đến khám và điều trị.
Riêng tại khoa Liệt Vận động và ngôn ngữ trẻ em hiện đang điều trị nội trú cho 3 trẻ bị liệt mặt nặng do lạnh, đó là chưa kể những trẻ khác nhẹ hơn điều trị ngoại trú và các bệnh nhân bị liệt mặt điều trị ở khoa khác.
BS Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết, thông thường khi thời tiết lạnh khoảng 4-5 ngày số bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên sẽ tăng. Để phòng bệnh, BS Cảnh khuyên người dân đặc biệt là những người lớn tuổi không đi tập thể dục quá sớm khi trời lạnh, không ra lạnh đột ngột, không nên tắm nước lạnh…
Khi có các biểu hiện như mắt nhắm mắt mở, cười thấy méo mồm, ăn uống rơi vãi, đau mỏi cơ mặt… thì cần nghĩ đến căn bệnh này và đi đến bệnh viện thăm khám.
*Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: PGS.TS Nguyễn Duy Ánh (GĐ bệnh viện) cho biết, số bệnh nhân đến khám và điều trị trong những ngày lạnh không có gì đột biến. Để phòng lạnh cho bà bầu, bệnh viện đã trang bị thêm nhiều thiết bị sưởi ấm, chăm màn và điều hòa 2 chiều luôn giữ ở mức 28-30 độ.
BS Lưu Quốc Khải – Trưởng khoa Đẻ A2 lưu ý, những phụ nữ đang mang thai phải đặc biệt chú ý đến sức khỏe khi thời tiết lạnh, vì lạnh dễ dẫn đến nguy cơ sản giật và tiền sản giật. Còn đối với trẻ sơ sinh, các mẹ không nên tắm cho trẻ khi nhiệt độ dưới 10 độ C, hạn chế việc dùng đèn sưởi điện, nếu dùng nên để xa trẻ vì dễ khiến trẻ bị khô da.
*Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương: PGS Lê Hữu Doanh – Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, số lượng bệnh nhân nhập viện trong những ngày lạnh gần đây chỉ tăng ở nhóm những người bị viêm da, dị ứng cơ địa do thời tiết. Tuy nhiên, số bệnh nhân cũng không tăng nhiều, chỉ khoảng 5% so với ngày thường.
*Tại Bệnh viện Bạch Mai: TS.BS Đồng Văn Thành, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết số lượng người bệnh đến khám tại viện giảm so với ngày thường.
Theo đó, ngày thường trung bình mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận hơn 3.000 bệnh nhân, có những hôm đến 4.600, thì hai ngày nhiệt độ Hà Nội xuống thấp (ngày 9 và 10/1) chỉ khoảng 2.500 người đến khám mỗi ngày.
TS Thành khuyến cáo, trong những ngày thời tiết lạnh người dân nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt là những ngừoi có tiền sử bị tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Bởi khi trời rét khiến các mạch máu co lại, nhiều người bị tăng huyết áp dù đang uống thuốc. Với những người chưa được kiểm soát huyết áp, kiểu thời tiết này càng nguy hiểm hơn, huyết áp biến động lên xuống dễ gây tai biến.
Theo Lê Phương (Khampha.vn)