Hà Nội qua đỉnh dịch, các khu vui chơi đông nghịt trẻ em, vì sao vẫn 'đợi tiêm vắc xin mới cho trẻ tới trường'?

30/03/2022 10:50:42

Chuyên gia cho rằng không nhất thiết phải đợi tiêm vắc xin mới cho trẻ tới trường. Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lại khẳng định: 'Phải tiêm được vắc xin mới yên tâm đưa trẻ đến trường'.

Theo thống kê, Hà Nội sau khi “đạt đỉnh” với 32.650 ca mắc Covid-19 vào ngày 8/3, tình hình dịch đã dần hạ nhiệt. Vài ngày gần đây, số F0 của thành phố dao động khoảng 10.000 ca mỗi ngày, nhiều hoạt động được mở lại bình thường. Sở Y tế Hà Nội đánh giá thành phố "đã bước qua đỉnh dịch".

Nhờ dịch hạ nhiệt, Hà Nội cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa trước 21h hàng ngày), kể từ 15/3.

Từ 18/3, không gian phố đi bộ trên địa bàn quận trung tâm Hoàn Kiếm được mở lại với rất nhiều hoạt động náo nhiệt. Ngày hội khinh khí cầu tại Hà Nội mở cửa từ 25/3 thu hút hàng nghìn người đến mỗi ngày...

Hà Nội qua đỉnh dịch, các khu vui chơi đông nghịt trẻ em, vì sao vẫn 'đợi tiêm vắc xin mới cho trẻ tới trường'?

Hà Nội qua đỉnh dịch, các khu vui chơi đông nghịt trẻ em, vì sao vẫn 'đợi tiêm vắc xin mới cho trẻ tới trường'? - 1
Các hoạt động như phố đi bộ, phố ăn đêm Tạ Hiện, lễ hội khinh khí cầu... ở Hà Nội mở cửa thu hút rất đông người đến tham dự, gồm cả người lớn và trẻ em. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Tuy nhiên, trái với cảnh tấp nập tại các khu vui chơi, các trường mầm non, tiểu học tại Hà Nội vẫn đóng cửa im lìm "để phòng dịch". Điều này khiến phụ huynh và giới chuyên gia có nhiều tâm tư, đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế thành phố Hà Nội khẳng định dịch COVID-19 đã "qua đỉnh".

Khi số ca F0 giảm mạnh, chỉ đạo của Hà Nội trong việc đưa trẻ đến trường vẫn chung chung theo hướng “UBND thành phố Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn cụ thể các địa phương chủ động hơn nữa trong công tác bảo đảm phòng, chống dịch cho học sinh từ lớp 7 đến 12 học trực tiếp tại trường”.

Về việc tổ chức bán trú, thành phố cũng “giao Sở GD&ĐT xem xét bảo đảm phù hợp tình hình thực tế trong công tác phòng, chống dịch hiện nay và điều kiện cụ thể của từng địa phương”.

Lộ trình mở cửa trường học với học sinh mầm non, tiểu học - nhóm trẻ nhẽ ra cần tới trường nhất - thì lại không được nhắc tới.

 

Tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội bàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 28-3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói: "Phải tiêm được vắc xin mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro".

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng không nhất nhiết phải đợi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mới cho trẻ tới trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 29-3, bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết không cần đợi tiêm đủ mới cho trẻ tới trường.

"Theo tôi là không cần tiêm mới cho trẻ đi học, tiêm xong rồi trẻ cũng bị mắc COVID-19 như thường. Thực tế có thể thấy hiện nay các trẻ mắc COVID-19 đều có triệu chứng rất nhẹ, chuyện đi học không liên quan gì tới tiêm chủng cả.

Bây giờ học sinh ở nhà nhưng người lớn bị nhiễm COVID-19 thì trẻ con cũng bị lây, nên đi học với ở nhà không quyết định nhiều tới việc trẻ có bị nhiễm COVID-19 hay không. Việc cho trẻ tới trường là rất quan trọng, cần thiết. Hiện riêng ở TP.HCM, theo tôi tìm hiểu, các em học sinh đi học bị nhiễm COVID-19 thì chưa có trường hợp nào ảnh hưởng tới tính mạng, các em dương tính thì sẽ được nghỉ học ở nhà", bác sĩ Khanh nói.

Cũng trên Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - nói việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non; không nên chờ tiêm vắc xin mới cho trẻ đến trường.

Ông lý giải, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm...

"Phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học. Vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. 

Nếu ở trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà", ông nói.

Ông Phu nói thêm, hiện ở nhiều quốc gia, đối với trẻ chưa tiêm vắc xin và không tiêm vắc xin, các nhà chức trách cũng đã cho phép và hối thúc trẻ tới trường.

NT (Nguoiduatin.vn)