Nhiều phụ huynh phản ứng vì khoản tiền đóng góp “tự nguyện” hàng tháng tại Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ảnh:P.B |
Năm học 2016-2017, dù mới khai giảng được một vài tuần nhưng một số phụ huynh khi nghe các khoản tiền dự kiến phải đóng nộp ở đây đã hoa hết cả mắt. Một phụ huynh (xin được giấu tên) có con mới vào học lớp 6 của Trường THCS Ngô Gia Tự cho biết, bà thực sự “choáng váng” vì nếu cộng lại tất cả các khoản phải đóng và… “tự nguyện” có thể lên tới hơn 3 triệu đồng/tháng.
Theo thông báo của nhà trường, các khoản tiền dự kiến phải đóng nộp của một học sinh lớp 6 gồm: Học phí 80.000 đồng/ tháng; Quỹ phụ huynh lớp 1.000.000 đồng; Tiền mua điều hòa 1 triệu đồng/học sinh; Các khoản thu đóng thêm khác là 1 triệu đồng. Tiếp đến là chi phí học tiếng Anh do Trung tâm Language Link Việt Nam giảng dạy cả hai kỳ học là 6 triệu đồng/học sinh; mua tài liệu Language Link hết 460.000 đồng/học sinh; Tiền hỗ trợ học tiếng Hàn theo dự án hết 340.000 đồng/tháng; chi phí học thêm buổi chiều 3 môn Văn + Toán + Anh hết 1,04 triệu đồng/ tháng (nếu bán trú); chi phí câu lạc bộ và tự học là 360.000 đồng/tháng; chi phí ăn bán trú, khăn ướt, nước khoảng 700.000 đồng/ tháng; chi phí trông trưa 150.000 đồng/tháng. Ngoài ra còn rất nhiều khoản khác như bảo hiểm y tế, quỹ đội… Khi cộng lại, mỗi tháng mỗi học sinh đi học ở đây phải đóng nộp tối thiểu là 3 triệu đồng.
Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh cũng phản ánh khoản chi phí dạy thêm được áp dụng ở Trường THCS Ngô Gia Tự là bất hợp lý so với mặt bằng hiện nay. “Ở cấp tiểu học, các con mới chỉ là làm quen với sách vở và áp lực học chưa cao, vì vậy việc học thêm ngoài là không cần thiết. Tuy nhiên, sang đến cấp 2, các con cần phải bổ sung thêm nhiều kiến thức ngoài chương trình học chính quy và tích lũy kiến thức lên cấp 3 thì việc học thêm là đúng. Nhưng theo tôi, chi phí dạy thêm hiện nay của Trường THCS Ngô Gia Tự đang áp dụng là quá cao. Chẳng hạn, hiện nay con tôi học lớp 6, nếu đăng ký học bán trú với 3 môn Toán, Anh, Văn thì với mức giá 13.000 đồng/1 tiết x 4 tiết/buổi x 5 buổi/1 tuần, tính trung bình mỗi tháng đã phải chi phí hơn 1 triệu đồng tiền học thêm. Và nếu tính mỗi lớp học là 50 em học sinh thì số tiền nhà trường thu về quả là khủng khiếp”, một vị phụ huynh cho biết.
Cho đơn vị ngoài vào liên kết kinh doanh?
Bà Nghiêm Thúy Châm, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự. |
Trong buổi làm việc với PV, khi chúng tôi đặt câu hỏi, việc nhà trường liên kết với một trung tâm tiếng Anh để đưa vào giảng dạy tại nhà trường có thông báo rộng rãi để các Trung tâm khác vào cạnh tranh về chất lượng và giá cả hay không? Bà Nghiêm Thúy Châm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc lựa chọn Trung tâm Language Link Việt Nam là dựa trên sự tham khảo liên kết đào tạo giữa Trung tâm này với một số trường trên địa bàn đã triển khai. Theo bà Châm, “mô hình đào tạo của Language Link Việt Nam phù hợp với điều kiện và khả năng của nhà trường, phù hợp với nhận thức của học sinh và nguyện vọng của cha mẹ học sinh”.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, việc Ban Giám hiệu nhà trường cho phép một đơn vị bên ngoài sử dụng tài sản công để giảng dạy và thu tiền với học phí rất cao là vấn đề cần xem xét. “Nhà nước dùng tiền ngân sách và chúng tôi dùng tiền cá nhân đóng vào để xây dựng trường cho con em được sử dụng chung chứ không phải cho nhà trường sử dụng riêng vào mục đích kinh doanh”, một phụ huynh bức xúc.
Trên tinh thần tự nguyện(?)
Thông báo cho các bậc cha mẹ học sinh dự kiến các khoản thu trong học kỳ 1. |
Liên quan đến khoản tiền mua điều hòa, học bán trú, câu lạc bộ tự học… mà phụ huynh đã phản ánh, bà Châm cho biết: “Ngay từ khi tuyển sinh, nhà trường đã dán công khai kế hoạch thu phí để phụ huynh có kế hoạch đăng ký và nhà trường căn cứ vào đó để xếp lớp. Tất cả đều dựa trên tinh thần tự nguyện”. Theo bà Châm, “hiện nay nhà trường chưa thu bất kỳ khoản phí nào. Nếu phụ huynh thấy không phù hợp có thể có ý kiến với nhà trường”. “Đối với khoản tiền học thêm buổi chiều cho các em học sinh bán trú, chúng tôi thực hiện theo đúng quy định là 1 tuần 2 ca Văn, 2 ca Toán và 1 ca Ngoại ngữ với học phí là 13.000 đồng/tiết và mỗi tháng chỉ là 520.000 đồng”. Tuy nhiên, trái ngược với điều bà Châm nói, ngay trong “Thông báo cho các bậc cha mẹ học sinh dự kiến các khoản thu trong học kỳ 1” thể hiện số tiền học thêm phụ huynh học sinh phải đóng lên đến 1,04 triệu đồng chứ không phải là 520.000 đồng. Đối với khoản tiền đóng góp 1 triệu đồng để mua điều hòa, bà Châm cho biết là chỉ một vài lớp thu và hiện bà đã “yêu cầu đại diện phụ huynh các lớp trả lại cho cha mẹ học sinh”?!
Chia sẻ thêm về việc học của con ở Trường THCS Ngô Gia Tự, một phụ huynh cho biết: “Phần lớn các gia đình chọn trường công lập cho con là do điều kiện kinh phí khó khăn, chi phí đóng học hàng tháng cho con hạn hẹp. Tuy nhiên, khi các con đặt chân vào ngôi trường này thì phụ huynh mới té ngửa bởi chi phí không rẻ như chúng tôi nghĩ. Với các khoản chi phí này thì các gia đình con em có bố mẹ làm công nhân viên nhà nước, lương ba cọc ba đồng sẽ không khỏi lo lắng. Nếu nhà nào có 2 con cùng đi học và vào trường có các khoản thu như Trường THCS Ngô Gia Tự thì càng chết dở”.
Nhiều phụ huynh cho biết, trước khi vào khai giảng 2 tuần, (thời gian học từ ngày 15/8 đến hết ngày 31/8), Trường THCS Ngô Gia Tự thu tiền học của con em học sinh là 1.250.000 đồng/11 buổi. Với chi phí này, tính trung bình là hơn 100.000 đồng/buổi/lớp 50 học sinh là quá cao và không có căn cứ trên bất cứ định mức nào. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài khoản tiền bắt buộc là học phí và quỹ đội thì các khoản khác đều thể hiện bằng các đơn đăng ký tự nguyện, nhưng có nhiều gia đình rơi vào cảnh “không tham gia không được”. “Vì điều kiện công việc của cả hai vợ chồng nên bắt buộc các con phải đi học bán trú. Với điều kiện kinh tế khó khăn như thế này mà phải đóng nhiều như trên thì chúng tôi không kham nổi”, một phụ huynh chia sẻ. |