Hà Nội: Phát hoảng vì hiện tượng "lạ" khi rang cơm thừa ở tủ lạnh

17/05/2016 09:42:00

Nấu cơm ăn bình thường nhưng để thành cơm nguội rồi rang lên thì chị Th. phát hoảng khi thấy hiện tượng cơm "chảy như nhựa" và quyện vào nhau thành đống.

Nấu cơm ăn bình thường nhưng để thành cơm nguội rồi rang lên thì chị Th. phát hoảng khi thấy hiện tượng cơm "chảy như nhựa" và quyện vào nhau thành đống.

Phản ánh đến chúng tôi, chị Hoàng Th. (nhà trên đường Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) đã rất hoang mang kể về hiện tượng "lạ" đó là khi rang cơm thừa để ở tủ lạnh thì thấy cơm giống như "nhựa bị chảy" ra do gặp phải nhiệt độ cao.

Theo chị Th., loại gạo xảy ra hiện tượng trên được người bán giới thiệu là gạo tám Điện Biên do chị giúp việc của gia đình mua tại một cửa hàng bán gạo trong khu chợ đối diện nhà.

Nhìn bề ngoài, hạt gạo rất bóng, không có cám, hạt rất đều. Khi ở nhiệt độ nấu cơm của nồi cơm điện thì hạt gạo vẫn nở bình thường, tuy nhiên, không có mùi thơm và dai như các loại gạo khác.

"Do bận không lấy được gạo quê nên chị giúp việc nhà tôi có sang mua loại gạo được giới thiệu là tám Điện Biên về ăn. Nấu cơm hết khoảng 5kg rồi thì không phát hiện điều bất thường.

Nhưng đến cuối tuần rồi khi cơm ăn còn thừa, gia đình tôi có để vào trong tủ lạnh, đến khi lấy ra rang kỹ, đậy nắp vung thì bất ngờ phát hoảng khi thấy hạt gạo nhũn ra và dẻo quẹo.

Kéo lên thì thấy chảy giống như nhựa chảy ra do nóng quá rồi quyện vào nhau thành đống", chị Th. kể.

Hà Nội: Phát hoảng vì hiện tượng
Ảnh do chị Th. cung cấp.

Cũng theo người phụ nữ này, sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã rất hoang mang, không biết đây có phải "gạo nhựa" từng được nhắc đến hay không?

"Thực sự là chúng tôi rất lo lắng. Sau chảo cơm rang đó, gia đình tôi đứng ngồi không yên vì trước đó đã ăn hết khá nhiều gạo này. Chưa kể, buổi tối 2 con nhỏ của tôi đều ăn cơm", chị Th. chia sẻ.

Không thể là gạo giả

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, không có chuyện người dân mua phải "gạo nhựa".

"Tôi khẳng định không có gạo nhựa. Bởi khi nấu trong nhiệt độ cao, nhựa sẽ chảy ra. Chỉ có chuyện gạo thường người ta pha trộn thêm gì đó để thành gạo thơm thôi", ông Thịnh lý giải.

Cũng theo PGS. TS Thịnh, cơm rang nếu để lâu sẽ bị nhiễm khuẩn và thành cơm thiu. Cơm bị thiu sẽ có hiện tượng chảy nhựa ra nên đây là hiện tượng bình thường.

Ông Thịnh cũng đưa ra lời khuyên, nếu rang cơm thì mọi người nên ăn luôn hoặc cho vào hộp nhựa bảo quản trong môi trường lạnh thì có thể để được vài tiếng. Còn nếu để môi trường bên ngoài rất dễ bị hỏng, ăn vào sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Hà Nội: Phát hoảng vì hiện tượng
Gạo bị nghi là gạo giả (bên trái) được gia đình chị Th. mua tại chợ gần nhà và ảnh gạo quê bên phải. Ảnh do chị Th. cung cấp.

Còn theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải thì việc xác định gạo giả hay thật đã được các cơ quan nghiên cứu trong nước thực hiện từ năm 1985.

Việc xác định này rất dễ và các cơ quan chức năng có thể đem số gạo trên tới các viện nghiên cứu xác định thành phần hóa học của chúng bằng phép đo huỳnh quang, Xray – tia X.

"Chỉ trong vòng hai mươi phút sẽ biết đó có phải là gạo hay không", TS Khải nói.

Theo ông Khải, thành phần hóa học của gạo đã được biết từ lâu. Dù các loại gạo khác nhau sẽ có thành phần khác nhau một chút ít.

"Chúng đều có các thành phần là Kali, Photpho, Canxi , Natri, Magie, các loại vitamin … còn nhựa chỉ có Hydro, Cacbon, Clo.

Thực hiện phép đo ở các viện nghiên cứu, với 100g vật liệu đem xét nghiệm mà không có Kali (khoảng 110mg) Photpho, (khoảng 90mg)... thì đấy không phải là gạo", ông Khải cho biết thêm.

Ông cũng nhấn mạnh, thực tế, các vật liệu như nilon, nhựa hoàn toàn có thể làm được gạo giả. Song, chi phí đầu tư máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất rất tốn kém và cần kỹ thuật cao.

"Thực tế, tôi không tin có gạo nhựa. Bởi giá nhựa nguyên sinh có độ trong như hạt gạo với độ sạch cao giá, đắt hơn giá gạo rất nhiều.

Chưa kể, công nghệ để làm ra hạt gạo phía trong có phôi màu đục hơn, có vết nứt nhỏ ở gần đầu đòi hỏi khuân mẫu phức tạp, quy trình sản xuất rất khó thực hiện.

Do vậy, người dân không nên hoang mang trước thông tin này", TS Khải nêu rõ.
 

Theo Hoàng Đan (Soha.vn/Trí thức trẻ)

Nổi bật