Sau 5 ngày không ghi nhận ca Covid-19 ngoài cộng đồng, từ ngày 30/9 đến sáng 1/10, Hà Nội phát hiện liên tiếp 7 F0 ngoài cộng đồng, trong đó có ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm).
Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội cho biết, các ca mắc mới ghi nhận vào thời điểm sau 15 ngày thành phố nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chưa thể đánh giá nguy cơ bùng phát một đợt dịch mới.
"Hà Nội đã có kinh nghiệm ứng xử với các tình huống khi phát sinh ca bệnh", ông Việt nói.
Khi được hỏi liệu những ca bệnh mới có ảnh hưởng tiến trình nới lỏng sắp tới của Hà Nội, ông Việt cho hay, khi chấp nhận nới giãn cách thì sẽ có ca cộng đồng, không ảnh hưởng đến lộ trình. Lãnh đạo CDC khẳng định, "chấp nhận nới giãn cách thì chấp nhận các ổ dịch sẽ xuất hiện, ổ dịch ở đâu thì sẽ dập ổ dịch ở đấy".
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, từ trước đến nay bệnh viện luôn là nơi nguy cơ cao, nhất là các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, người dân từ các tỉnh khác đổ về điều trị.
Các bệnh viện thường xuyên xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và thực hiện phân luồng. Trên thực tế, rất nhiều bệnh viện, không riêng gì Việt Đức đã từng xuất hiện F0.
F0 tại Bệnh viện Việt Đức là người nhà vào chăm sóc bệnh nhân điều trị ở khoa Ung Bướu. Ông Phu đánh giá, đây là khu vực rất nhạy cảm vì bệnh nhân có bệnh nền, đặc biệt là ung thư có nguy cơ diễn tiến nặng và nguy cơ tử vong cao nếu mắc Covid-19.
"Nguy cơ rất cao, phải truy vết nguồn lây thông qua việc xét nghiệm diện rộng có chỉ định, khoanh vùng nhanh", theo ông Phu, điều quan trọng phải xác định lây từ bệnh viện ra bên ngoài hay ngược lại, khẩn trương xét nghiệm khu vực xung quanh bệnh viện. Trước mắt, bệnh viện cần phong tỏa khoa, phòng, tầng, tòa nhà thật chặt, tránh lây lan cho các bệnh nhân khác, đặc biệt những bệnh nhân nặng, đang phẫu thuật.
PGS.TS Trần Đắc Phu nêu quan điểm cần truy vết các vùng khác ở Hà Nội và thậm chí là cả các tỉnh lân cận, để tìm kiếm các ổ dịch mới có liên quan, nhằm khoanh vùng nhanh nhất, cắt đứt chuỗi lây nhiễm, không để lây lan ra diện rộng.
Cũng theo chuyên gia này, các bệnh viện cần phải kiểm soát chặt việc người nhà bệnh nhân mua sắm ở ngoài, tiềm ẩn nguy cơ mang mầm bệnh vào bệnh viện. Thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện đã cấm không cho người nhà mua cơm từ bên ngoài vào.
"Cần có biện pháp hạn chế người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân và quy định rất chặt chẽ với những người chăm sóc đó. Bệnh viện cần có giải pháp đảm bảo tốt nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cơ bản của bệnh nhân và người nhà, tránh việc người trong viện đi ra bên ngoài", ông Phu nhấn mạnh.
Với đặc thù nguy cơ cao và khó sàng lọc nguồn lây triệt để, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các bệnh viện cần siết chặt biện pháp kiểm soát, phòng ngừa lây nhiễm để "phòng thủ" trước Covid-19.
Cụ thể:
- Phân luồng bệnh nhân có nguy cơ (yếu tố dịch tễ, triệu chứng nghi ngờ), để tiến hành sàng lọc, xét nghiệm.
- Xét nghiệm định kì các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà, để kịp thời phát hiện nguồn lây, từ đó sớm có biện pháp giải quyết.
- Dừng việc thăm nom bệnh nhân. Hạn chế người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân và phải có quy định rất chặt chẽ với những người chăm sóc đó. Bệnh viện cần có giải pháp đảm bảo tốt nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cơ bản của bệnh nhân và người nhà trong viện, để tránh việc người trong viện đi ra bên ngoài, vì tiềm ẩn nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây bên ngoài.
- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn thật chặt chẽ, điển hình là nguyên tắc 5K. Mọi người phải đeo khẩu trang, phòng nào ở nguyên phòng đó, giữ khoảng cách, khử khuẩn phòng chống Covid-19 và cả các bệnh nhiễm trùng khác.
Theo CDC Hà Nội, ca dương tính SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Việt Đức là người nhà vào chăm sóc người bệnh điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ ngày 19/9. Ngày 30/9, người này được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thực hiện.
UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo Trung tâm Y tế quận phối hợp với CDC Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức phong tỏa tạm thời và phun khử khuẩn toàn bộ nhà D bệnh viện; điều tra các trường hợp liên quan, sơ bộ có 90 F1 gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà.
Đồng thời, cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và người dân các tuyến phố xung quanh Bệnh viện Việt Đức. Thông báo UBND quận Đống Đa phối hợp điều tra dịch tễ trường hợp liên quan tại phố Phương Mai.
Ngoài ra, một nam thanh niên 23 tuổi, là nhân viên phục vụ giao cơm của cửa hàng cơm trên phố Phủ Doãn (gần Bệnh viện Việt Đức) xuất hiện triệu chứng, ngày 30/9 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Cộng dồn đợt dịch thứ 4 từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội có tổng 3.980 ca, trong đó 1.608 ca ngoài cộng đồng và 2.372 người đã được cách ly.
Hà Nội khuyến cáo tất cả người dân trên địa bàn khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Theo Minh Nhân (Pháp Luật & Bạn Đọc)