Liên tục trong nhiều ngày, chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức nguy hại cho sức khỏe con người với mức chỉ số chất lượng không khí AQI trên mốc 190.
Nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm bụi mức cao
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và vào những thời điểm chuyển mùa. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua.
Theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong những ngày qua, chất lượng không khí của Hà nội, ở nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức kém, trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi.
Trên thực tế, nồng độ bụi chỉ tăng cao tức thời ở một vài thời điểm.
Tuy nhiên, do điều kiện khí tượng không thuận lợi, xuất hiện hiện tượng sương mù bao phủ toàn thành phố kéo dài liên tục trong nhiều ngày nên bụi không thể thoát lên trên pha loãng và phát thải hoặc bị vận chuyển đi nơi khác mà bị giữ lại tại lớp không khí gần mặt đất nên chất lượng không khí trên toàn thành phố giảm xuống.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm bụi, Chi Cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ quan là do Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình đang xây dựng phát sinh bụi; mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông, còn tồn tại nhiều các phương tiện cũ, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định.
Nguyên nhân khách quan do đang là thời điểm giao mùa, điều kiện khí tượng không thuận lợi, toàn thành phố luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù làm giảm khả năng phân tán, phát tán bụi.
Chuyên gia hiến kế
Trao đổi với Lao Động, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, hiện nay các chỉ số đo chất lượng không khí được công bố trên nhiều địa chỉ, website của thành phố cũng như quốc tế.
Chỉ số chất lượng không khí được định mức như sau: Nồng độ chất lượng không khí = Nồng độ thực tế : Nồng độ tiêu chuẩn sẽ ra được con số nồng độ chất lượng không khí đang gấp bao nhiêu lần tiêu chuẩn cho phép.
Theo GS Đăng, không thể dùng chỉ số đột xuất để đánh giá chất lượng không khí vì tiêu chuẩn không quy định đột xuất là bao nhiêu.
Nhìn nhận thực tế thời gian qua, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang trải qua những ngày ô nhiễm, GS Phạm Ngọc Đăng cho rằng, để hạn chế tình trạng này, người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường, giữ sạch sẽ thành phố.
Theo ông, cần quản lý tốt nguồn ô nhiễm của xe cộ, xe nào phát thải ra chất ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép thì không được cho vận hành; tăng cường giao thông công cộng để giảm thiểu phát thải thì xe cá nhân; quản lý nguồn thải từ hoạt động xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo đường xá, cống rãnh, nhà cửa...
Theo Nguyễn Hà (Lao Động)