Không đeo khẩu trang vì khó nghe
Từ khi dịch COVID-19 có nhiều diễn biến tại Trung Quốc và xuất hiện các ca lây nhiễm tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đưa chi tiết các khuyến cáo trong việc sử dụng khẩu trang y tế, khẩu trang vải để phòng, chống dịch.
Cụ thể, ngoài những cán bộ y tế tiếp xúc với người bệnh, người nghi nhiễm bệnh, người bị cách ly… thì những người khỏe mạnh cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu tập trung đông người.
Dù khuyến cáo đã phát đi nhiều lần và tình hình dịch vẫn đang có nhiều diễn biến mới, nhưng dường như, nhiều điểm đông người vẫn chủ quan với dịch COVID-19 mà không hoặc ít sử dụng khẩu trang vải.
Chợ Nhà Xanh (phố Xuân Thủy) là điểm mua sắm nổi tiếng của giới trẻ tại trung tâm quận Cầu Giấy. Đây là nơi giao thương chủ yếu mặt hàng thời trang, phụ kiện thời trang và đồ ăn vặt nên rất thu hút giới trẻ.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội cho thấy, mặc dù lượng người qua lại khu vực chợ rất đông nhưng nhiều chủ gian hàng vẫn chưa thực sự coi khẩu trang vải là một biện pháp bảo vệ mình, trong bối cảnh dịch có nhiều diễn biến.
Chị Thoa (26 tuổi), nhân viên bán hàng thời trang nam tại chợ Nhà Xanh thẳng thắn: "Mặc dù bản thân rất sợ dịch bệnh nhưng hầu hết, khách hàng vào quầy hỏi mua hàng đều đeo khẩu trang, khách hàng rất cẩn thận nên bản thân tôi cũng không lo lắm. Nhất là thời gian vừa rồi, truyền thông đưa tin về các ca khỏi COVID-19 ở Việt Nam nên tâm lý chúng tôi cũng yên tâm hơn".
Vừa kéo nhẹ khẩu trang xuống dưới cằm, ông Hưng (46 tuổi), chủ quầy hàng thời trang trẻ em tại chợ Nhà Xanh đon đả giới thiệu hàng hóa.
Khi chúng tôi thắc mắc về việc kéo khẩu trang để tư vấn khách thì ông Hưng bày tỏ: "Đeo khẩu trang khi nói chuyện thì khách rất khó nghe. Ở góc độ kinh doanh, khách chỉ cần nghe nhiều hơn nói nên nếu không có khách thì chúng tôi đeo để chống bụi, chống dịch bệnh nhưng khi có khách thì chúng tôi lại phải bỏ ra".
Không chỉ các tiểu thương tại chợ Nhà Xanh không hoặc ít sử dụng các biện pháp phòng, chống dịch mà tiểu thương tại các chợ truyền thống, chợ tạm và người dân ở các điểm quán nước, nơi tụ tập đông người cũng đang "dửng dưng" trước dịch.
Khách nước ngoài tin tưởng khả năng điều trị COVID-19 của bác sĩ Việt Nam
Mặc dù mỗi ngày, gian hàng trái cây của bà Phạm Thị Bình (53 tuổi, tiểu thương chợ Nam Trung Yên, Cầu Giấy) có rất nhiều khách hàng ra vào, qua lại nhưng bà Bình không sử dụng khẩu trang vải và lý giải: "Đeo khẩu trang khi bán hàng khá bất tiện. Hơn nữa, Việt Nam chữa thành công các ca nhiễm rồi thì tôi lại thấy không nặng nề với dịch. Quan trọng là khoảng cách khi tiếp xúc. Tôi bán hàng chủ yếu là ngồi trong quầy, khách có đến mua thì sẽ đứng bên ngoài, vì vậy, dù không sử dụng khẩu trang nhưng tôi vẫn đảm bảo được khoảng cách tiếp xúc với người khác".
Trong khi nhiều người dân coi nhẹ tác dụng của chiếc khẩu trang vải trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thì anh Nguyễn Văn Hùng (28 tuổi), nhân viên tại chợ Nhà Xanh lại khá khắt khe với bản thân.
Anh Hùng cho biết: "Chợ là nơi nhiều người đi lại, bản thân tôi và cả khách hàng cũng đều là đối tương có nguy cơ mang mầm bệnh nên tôi nghĩ, đeo khẩu trang vải là hết sức cần thiết. Trước kia, tôi rất ít khi sử dụng khẩu trang, nhất là lúc kinh doanh, tư vấn khách, nhưng bây giờ có dịch, dù Việt Nam đã chữa khỏi các ca nhiễm COVID-19 nhưng nước ta có đường biên giới với Trung Quốc - nơi có rất nhiều ca bệnh tử vong vì COVID-19 nên tôi phải đảm bảo an toàn trước hết là cho bản thân, sau là cho những người tiếp xúc với tôi".
Anh Hùng quan điểm, sử dụng khẩu trang vải không chỉ là biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả để giảm khả năng lây nhiễm của dịch mà trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, khẩu trang vải là vật bất ly thân của anh và người thân.
Ghi nhận của PV, mặc dù dịch COVID-19 có nhiều diễn biến tại một số quốc gia trên thế giới nhưng tại các phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm…, du khách nước ngoài vẫn thoải mái tận hưởng cuộc sống giữa Thủ đô như chưa hề có dịch. Chỉ số ít những khách hàng sử dụng các dịch vụ ăn uống, cafe và massage… sử dụng khẩu trang.
Khi được hỏi về các biện pháp bảo vệ bản thân trong dịch COVID-19, nhiều du khách cho biết là tin tưởng vào khả năng điều trị COVID-19 của các bác sĩ Việt Nam.
"Đến các điểm vui chơi, ăn uống, khách sạn hay đơn giản là di chuyển bằng xe xích lô, xe buýt, chúng tôi đều được yêu cầu sử dụng cồn rửa tay để sát khuẩn và được phát khẩu trang miễn phí.
Vì vậy chúng tôi yên tâm khi du lịch tại Việt Nam và tin tưởng vào khả năng điều trị của các bác sĩ Việt Nam. Bởi nếu không có khả năng điều trị thì 16 ca bệnh nhiễm COVID-19 không thể cho kết quả âm tính sau một thời gian điều trị, cách ly. Đó là một trong những điều khiến chúng tôi yên tâm khi du lịch tại Việt Nam", một du khách cho biết.
Trong khi đó, chia sẻ với PV, nhiều chủ nhà hàng, quán nước tại phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm) cho biết, sau Tết Nguyên đán, phố Tạ Hiện rất vắng khách. Tuy nhiên, từ khi các ca bệnh lần lượt được công bố khỏi COVID-19, cũng như hực hiện hàng loạt biện pháp để phòng, chống dịch thì khách đã trở lại đông đúc hơn.
“Việc khách Tây trở lại đông đúc, sử dụng hàng loạt dịch vụ tại phố cổ khiến chúng tôi vui mừng. Để khách hàng vui vẻ và an tâm hơn nữa thì chúng tôi cũng trang bị nước rửa tay khô, khẩu trang miễn phí nếu khách có nhu cầu”, chị An, chủ quán bia tại phố cổ Tạ Hiện cho biết.
Trong bối cảnh khan hiếm khẩu trang y tế, Cục QLTT Hà Nội cho biết, sau khi tiến hành kiểm nghiệm chất lượng các mẫu khẩu trang là tang vật bị tịch thu do vi phạm hành chính, tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội), đơn vị đã chuyển giao (đợt 2) cho Sở Y tế Hà Nội 102.876 chiếc khẩu trang các loại có chất lượng đạt yêu cầu vật liệu theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8389-1:2010 về khẩu trang y tế thông thường, để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của COVID-19 (nCoV) gây ra.
Theo Bảo Minh (Giadinh.net.vn)