Hiện trường ngôi nhà bị cuốn trôi xuống sông Hồng tại ngõ 975 đường Bạch Đằng. |
Sau khi nhà bị sụt, bà Bình cùng gia đình thuê một căn nhà cùng ngõ để ở tạm. Tuy nhiên, ngay cả căn nhà này cũng đang bị nghiêng về phía sông Hồng. Thấp thỏm, lo âu là tâm trạng chung của những người dân đang sinh sống tại đây. Căn nhà sát vách với công trình vừa bị sạt cũng đang nghiêng xuống sông. 5 hộ dân gần đó cũng có hiện tượng nứt tường, sàn nhà, đường dốc theo hướng xuống phía sông.
Để bảo đảm an toàn, mùa mưa nào phường Bạch Đằng cũng cử cán bộ, cùng tổ dân phố đến vận động mọi người di chuyển, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. “Nhà nứt toác, nghiêng dần như vậy chúng tôi sống cũng không yên, rất mong chính quyền có biện pháp để dân được an cư, cho đi đâu cũng được, miễn là an toàn”, bà Bình nói.
Ông Vũ Huy Khiêm, Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho biết, trước khi cơn bão số 3, phường đã vận động, tổ chức các hộ dân tại đây di dời. “Thực chất, phần bị sạt ngôi nhà sát sông trong ngõ 975 chỉ là công trình phụ, lát gạch vệ sinh”, ông Khiêm khẳng định. Tuy nhiên, để ổn định cuộc sống cho người dân về lâu dài, ông Khiêm cho rằng, thành phố cần có phương án di dời hoặc làm kè dọc tuyến này bởi khúc sông bị nắn dòng khiến nước xối thẳng vào chân đê gây sạt lở.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hà Đức Trung cho biết, nguyên nhân xảy ra sự cố tại khu vực này là do ngành giao thông lái dòng, hướng luồng lạch chính từ bờ tả sông Hồng sang Cảng Hà Nội. Do đó, dòng chảy đã thúc vào bờ sông, trong khi bờ là mái dốc đứng, chưa được gia cố nên gây ra sạt lở. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, thành phố cần sớm triển khai dự án xử lý tổng thể kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng tại khu vực các phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Thanh Lương, Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) để đảm bảo an sinh lâu dài.
Theo Ngọc Cương - Trần Hoàng (Tiền Phong)