ThS.BS Nguyễn Đình Luân – Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 -cho biết những ngày qua, khoa tiếp nhận nhiều người mắc cúm diễn biến nặng, thậm chí nguy kịch; đa số là người có bệnh nền, không kiểm soát tốt bệnh nền.
Điển hình là trường hợp cụ ông 83 tuổi, ở Hà Nội, tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường type 2, nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục 39-39,5 độ C, ho, đau ngực và khó thở. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus và kiểm soát bệnh nền, tình trạng viêm phổi và suy hô hấp của ông vẫn tiến triển nặng, buộc phải thở máy tại khoa Hồi sức tích cực.
Bác sĩ Luân cho hay thông thường, những bệnh nhân cúm có bệnh lý nền thường gặp những triệu chứng nặng hơn so với những bệnh nhân cùng độ tuổi không có bệnh lý nền. Bệnh nhân vừa phải điều trị cúm và các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm não..., vừa phải kiểm soát các bệnh lý nền tốt.
Một số trường hợp nặng phải áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu như hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn bằng máy hoặc ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Đặc biệt, cúm có thể tiến triển nhanh chóng ở người cao tuổi, bệnh nhân đái tháo đường, suy tim, suy thận hoặc ung thư, có nguy cơ tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay thời gian gần đây trung tâm cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm A nhập viện với các biến chứng nặng. Đa phần các bệnh nhân này có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch...
“Ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi, virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng, có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao”, PGS Cường cho biết.
Phòng ngừa cúm diễn biến nặng
Theo bác sĩ Luân, triệu chứng bệnh cúm thường xuất hiện đột ngột như sốt, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, đau đầu. Đối với người khỏe mạnh, các triệu chứng này thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở những người có bệnh nền hoặc sức đề kháng suy giảm, cúm có thể gây viêm phổi bội nhiễm, suy hô hấp, suy đa tạng, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Tổ chức Y tế thế giới và các Hiệp hội về bệnh hô hấp, tim mạch... khuyến cáo những đối tượng như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hằng năm để phòng bệnh.
Bên cạnh đó, người dân cần ăn uống đầy đủ chất, bổ sung đủ nước, tăng cường thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với người đang bị bệnh, vệ sinh mũi miệng, giữ gìn vệ sinh môi trường, đeo khẩu trang khi ra ngoài, bác sĩ Luân tư vấn.
Theo Ngọc Minh (Nguoiduatin.vn)