Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tổng nguồn cấp nước trên địa bàn Hà Nội khoảng 900.000m3/ngày đêm và sẽ tăng thêm được 60.000m3/ngày đêm sau khi hoàn thành một số dự án cải tạo, nâng công suất nhà máy.
|
Dự báo hè này nhiều khu vực ở Hà Nội sẽ “khát” nước sạch. |
“Dự báo tình hình cấp nước sạch trong mùa hè này sẽ rất khó khăn. Nhiều khu vực ở các quận, các phường ngay cả trong nội đô như Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm..., sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước, mất nước trong dịp hè”, đại diện Sở Xây dựng cho biết.
Không chỉ lo thiếu hụt về nguồn nước mà mạng lưới đường ống cấp nước hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Riêng đối với tuyến cấp nước từ nhà máy nước sông Đà về Hà Nội hiện tại chiếm khoảng 27% tổng sản lượng nước của toàn thành phố, nhưng tuyến ống này vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố vỡ ống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấp nước cho nhân dân, đặc biệt là người dân khu vực phía Tây Nam thành phố gồm: Toàn bộ khách hàng quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, 30% khách hàng thuộc Công ty Nước sạch Hà Đông và 5% khách hàng các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình thuộc Cty Nước sạch Hà Nội quản lý.
“Hiện tuyến ống truyền tải nước sông Đà đang được vận hành với áp lực thấp hơn so với thời gian trước đây, do vậy càng hạn chế khả năng cung cấp nước cho khu vực trung tâm thành phố. Trong khi tuyến ống số 2 dự kiến vận hành cấp nước trước 30/5/2016 sẽ không thể hoàn thành như cam kết của chủ đầu tư. Chúng tôi yêu cầu các công ty nước sạch phải rà soát kỹ và xây dựng các giải pháp cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục tình trạng khó khăn về nước sạch mùa hè, đặc biệt đối với tình huống sự cố vỡ tuyến ống số 1 hiện có”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.
Dư công suất, phải bơm cầm chừng
Hiện nguồn nước mặt từ Nhà máy nước sạch sông Đà về Hà Nội, công suất giai đoạn I là 300.000 m3/ngày đêm. Thế nhưng trên thực tế lưu lượng cấp cho Hà Nội mới đạt khoảng 233.000 m3/ngày đêm. Đặc biệt, sau sự cố 17 lần vỡ đường ống số 1 dù công suất nhà máy đang dư thừa nhưng nước lại được bơm theo kiểu cầm chừng, vì lo sợ vỡ đường ống tiếp.
Đại diện Công ty CP đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco)-đơn vị phân phối nước sạch sông Đà cho biết, hiện công ty đang cung cấp nước cho trên 120.000 khách hàng với địa bàn rộng lớn tập trung chủ yếu là các quận, huyện phía Tây thành phố nhưng công suất, áp lực nước cung cấp theo thỏa thuận không đạt được: “Chúng tôi là đơn vị kinh doanh khi thiếu nước, mất nước dân đổ lên đầu chúng tôi nhưng thực tế nguồn nước cấp với công suất, áp lực không đảm bảo. Tất cả đang chờ đường ống nước sông Đà số 2 nhưng sẽ không thực hiện được theo kế hoạch nên việc thiếu nước trong dịp hè càng thêm căng thẳng”, vị cán bộ này nói.
Vị này cũng cho rằng, dù công suất và áp lực nước cung cấp của đường ống số 1 hiện nay đã bị giảm so với công suất thiết kế nhưng biện pháp khắc phục vấn đề này bằng việc các công ty nước sạch sẽ làm các trạm bơm tăng áp mini chỉ là giải pháp tình thế. “Việc đặt các bơm tăng áp để khi có nước về bị giảm áp sẽ thực hiện bơm tăng áp lên cho các vùng cuối nguồn. Tuy nhiên, việc đặt các trạm bơm tăng áp sẽ là giải pháp tình thế bởi nguồn cung cấp nước sông Đà về Hà Nội hiện nay đang trong tình trạng cầm chừng”, vị này phân tích.
Liên quan đến phương án Hà Nội tự làm đường ống khẩn cấp (21km trong vòng 90 ngày-PV) chứ không ngồi chờ Vinaconex đầu tư đường ống số 2, trao đổi với phóng viên, các cơ quan chức năng Hà Nội cho hay, do Vinaconex đang triển khai làm đường ống số 2 nên thành phố phải xem xét: “Chủ trương làm đường ống khẩn cấp của Hà Nội đã được Thành ủy đồng ý. Giờ tạm dừng để xem Vinaconex triển khai như thế nào có đáp ứng được yêu cầu của thành phố hay không khi ấy mới xem xét có tiếp tục hay không tiếp tục làm đường ống khẩn cấp này”, vị cán bộ thành phố cho biết.