Trong báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Hà Nội thì trận mưa lớn rạng sáng 25/5 vừa qua trên địa bàn đã xảy ra úng ngập tại hơn 26 điểm (tại thời điểm 6 giờ sáng). Đến 9 giờ có 10 điểm cơ bản hết ngập, còn 16 điểm vẫn còn ngập. Thế nhưng, theo báo cáo của CSGT (Công an TP Hà Nội) thì tổng số điểm ngập úng của trận mưa ngày 25/5 là 50 điểm. Trao đổi với PV Tiền Phong về sự mâu thuẫn trong số liệu thống kê điểm ngập úng này, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo số liệu chính thức được Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai thành phố tổng hợp dựa trên báo cáo chi tiết của Sở Xây dựng và các sở, ngành chức năng liên quan thống kê gửi về, trong đó khu vực nội thành Hà Nội có tổng cộng 26 điểm ngập.
Đây không phải là lần đầu có sự mâu thuẫn trong thống kê các điểm ngập úng giữa các cơ quan chức năng của Hà Nội. Tại cuộc họp bàn về công tác thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn trước đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, đang có sự thống kê khác nhau, thậm chí vênh nhau về số điểm ngập úng. Phía Công ty Thoát nước Hà Nội đưa ra một kiểu, nhưng phía Thanh tra GTVT và CSGT lại thống kê kiểu khác. Theo vị này, con số của Thanh tra GTVT và CSGT đưa ra là chính xác, bởi vì sau mưa, lực lượng này thường phải ra đường để phân luồng, điều tiết giao thông ở các điểm ngập úng.
Ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội khẳng định, việc xử lý sự cố úng ngập ngày 25/5, của Cty Thoát nước đã rất chủ động. Khẳng định lượng mưa lớn bất thường rạng sáng 25/5 dẫn đến tình trạng quá tải, tê liệt hệ thống cống thoát nước tại nhiều khu vực. Mặt khác, ông Hùng cũng chỉ rõ việc một số hạng mục trong “đại dự án” thoát nước giai đoạn II thi công chậm tiến độ cũng là một trong số nguyên nhân khiến tốc độ tiêu thoát nước khi trời mưa bất thường gặp rất nhiều khó khăn.
Xây nhà tầng, “quên” thoát nước?
Đánh giá về tình trạng ngập nặng của Hà Nội ngày 25/5, nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch đô thị Hà Nội đang có vấn đề khi hàng loạt cao ốc đua nhau mọc lên trong khi hệ thống thoát nước không theo kịp. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, những bất hợp lý trong việc triển khai thực hiện quy hoạch thoát nước cũng như trong công tác quản lý đô thị là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nặng của Hà Nội.
Lý giải về việc tại sao khu vực phía tây, tây nam Hà Nội địa hình cao lại bị ngập cục bộ, trong khi các quận trũng nhất của nội thành như (Hoàng Mai, Long Biên) lại không bị, đại diện Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho rằng, hiện dự án thoát nước giai đoạn I và II mới chỉ bao phủ khu vực 4 quận nội thành cũ và một phần quận Hoàng Mai, còn các quận còn lại (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, một phần quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) thì chưa được đầu tư bài bản. Hệ thống thoát nước ở đây mới đang ở tình trạng “bán đô thị”, tức là các khu đô thị mới, các tuyến đường mới đều có hệ thống thoát nước nội bộ, nhưng hệ thống kênh, mương dẫn nước kết nối đồng bộ để dẫn nước ra sông Nhuệ thì chưa được đầu tư. “Hệ thống mương nhiều năm nay chưa được nạo vét, cộng thêm đất ruộng vẫn xen kẹt với cao ốc, dù địa hình cao nhưng nước từ các khu đô thị, đổ ra không có lối thoát”, vị này phân tích.
Cũng theo vị đại diện Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, trong quy hoạch, các nước cũng chỉ ra giải pháp chống úng ngập như phải duy trì các công viên cây xanh, các khoảng đất trống, không được bê tông hóa hết.
Chưa lỗi thời
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Cường- Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội cho rằng, dự án thoát nước giai đoạn II của Hà Nội (gọi là dự án II) có tổng vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng đúng quy hoạch, không bị lỗi thời.
Ông Cường nói: “Hiện nay chúng tôi vẫn khẳng định quy hoạch là đúng. Đơn giản thế này, trước khi chưa thực hiện dự án II, lõi trung tâm Hà Nội liên tục một năm 3 lần, 4 lần ngập úng từ 2 đến 3 ngày là chuyện bình thường, ngập một tuần vẫn xảy ra. Đến bây giờ, trận mưa như vừa rồi khu vực lõi thuộc phạm vi dự án II cùng lắm chỉ nửa tiếng là nước rút hết. Đấy là do dự án chưa hoàn chỉnh hết. Khi hoàn chỉnh sẽ phát huy hiệu quả lên rất nhiều. Rõ ràng là khác hẳn nhau chứ? Đến thời điểm này nó vẫn đúng. Chưa lạc hậu, chưa lỗi thời. Tôi nghĩ là sau này khi biến đổi khí hậu nhiều hơn thì mình vẫn có những giải pháp”.
Theo ông Cường, trận mưa vừa rồi thực ra nó vượt quá tính toán nhưng vẫn đáp ứng được, có tràn cống một chút rồi rút. Trong khu vực dự án II, nước rút là đạt yêu cầu, có hiệu quả.
Đại diện Công ty thoát nước cũng thừa nhận, khu vực phía tây, tây nam bị ngập nặng là do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư, và quy hoạch thoát nước Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 hiện mới bắt đầu được triển khai. |
Theo T.Anh-N.Cương-T.Phong (Tiền Phong)