Dù mới chỉ bước vào những ngày tháng 4 đầu hè, khắp cả nước đã cảm nhận được cái nắng cháy da. Người dân không hiểu nguyên nhân nào khiến thời tiết khắc nghiệt bất thường như vậy? Đồng thời, dư luận lo lắng liệu đây có phải dấu hiệu mở màn cho một mùa hè nắng nóng kỷ lục?
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã có những nhận định về tình hình thời tiết những ngày qua.
Xin ông đưa ra những tổng kết về tình hình nắng nóng những ngày qua?
- Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng năm nay ở nước ta bắt đầu sớm. Ngay từ đầu năm 2019, nắng nóng đã xảy ra ở Nam Bộ.
Từ ngày 19.4 đến nay, Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng diện rộng. Nhiệt độ cao nhất một số nơi còn có nhiệt độ trên 41 độ C như: Hòa Bình 41,1 độ C (cao hơn mức kỷ lục cũ 40,5 độ C đã quan trắc được vào năm 2016); Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,4 độ C (cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam), Tuyên Hóa (Quảng Bình) 43 độ C (cao hơn mức kỷ lục cũ 41,4 độ C đã quan trắc được vào năm 2007).
Nắng nóng diện rộng vẫn đang xảy ra ở các khu vực trên phạm vi cả nước. Đợt nắng nóng này còn kéo dài đến khoảng ngày 26.4 ở Bắc Bộ và đến khoảng ngày 28.4 ở Trung Bộ, Nam Bộ.
Thời điểm nóng nhất ở Việt Nam thường được ghi nhận vào tháng 6. Tuy nhiên, dù mới chỉ vào tháng 4, thời tiết đã khắc nghiệt bất thường. Liệu đây có phải đợt nắng nóng kỷ lục?
- Nhiệt độ trung bình từ đầu tháng 4.2019 đến nay ở Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 2-3 độ C (trung bình nhiệt độ tháng 4 Bắc Bộ khoảng 23-24 độ C); Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cao hơn TBNN từ 3-4 độ C (trung bình nhiệt độ tháng 4 ở Trung Bộ 24-25 độ C); Nam Bộ cao hơn TBNN từ 0.5-1,5 độ C (trung bình nhiệt độ tháng 4 ở Tây Nguyên 24.5-25.5OC, Nam Bộ 29.5-30.5 độ C).
Như vậy, nhiệt độ ở một số nơi tăng cao kỷ lục so với trung bình. Tại Hà Nội, nhiệt độ trung bình tháng 4 khoảng 24 độ C và một số năm nóng đáng kể trước đây như năm 2003 có nhiệt độ trung bình vượt TBNN 2,2 độ C, năm 2012 vượt 2,4 độ C, năm 2015 vượt 3,1 độ C và đến năm nay đã vượt 3.3 độ C ở trạm Láng. Nhiệt độ trung bình ở Vinh đã vượt TBNN trong tháng 4 đến 4.1 độ C.
Trong đợt nắng nóng này có rất nhiều trạm ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung có nhiệt độ cao nhất vượt mức đã từng quan trắc được trong tháng 4. Nhiệt độ cao nhất ngày 20.4 ở Hà Nội là 38,9 độ C. Đây không phải là mức nhiệt cao nhất của năm nhưng đây là kỷ lục mới, vượt mức 38,5 độ C vào tháng 4.1919 và cũng là cao nhất trong 100 năm qua số liệu quan trắc ở Hà Nội vào thời điểm tháng 4. Tại Phù Yên, Yên Châu (Sơn La) 41,7 độ C vượt mức kỷ lục đã xuất hiện vào tháng 4.1984.
Đặc biệt tại Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiệt độ cao nhất ngày 20.4 lên tới 43,4 độ C là mức nhiệt cao nhất trong lịch sử nhiệt độ đo được ở Việt Nam từ trước đến nay.
Nguyên nhân chính của sự kiện này là do kết hợp tác động của El Nino, xu thế nóng lên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Nền nhiệt độ cao vào tháng 42019, kết hợp với hiệu ứng đô thị và thay đổi mặt đệm khu vực trạm quan trắc.
Vậy nhận định thời tiết mùa hè năm nay như thế nào, thưa ông?
Tác động của El Nino chủ yếu rõ rệt vào nửa đầu năm và không rõ rệt vào nửa cuối năm. Do đó nền nhiệt độ trung bình các tháng mùa hè năm nay có xu hướng cao hơn TBNN từ khoảng 0,5-1 độ C.
Với nền nhiệt độ được dự báo cao hơn TBNN thì nhiệt độ trong các đợt nắng nóng cũng nhiều khả năng đạt mức cao (phổ biến 39-41 độ C và không ngoại trừ sẽ xuất hiện thêm các kỷ lục mới ở các trạm). Tuy nhiên nhiệt độ 43 độ C khó có thể lặp lại.
Các đợt nắng nóng còn lại tập trung nhiều trong tháng 5 ở phía Tây Bắc Bộ, từ tháng 5-6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ tháng 4-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Thảo Anh (Lao Động)