UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội" từ năm 2025, tầm nhìn 2030. Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, Hà Nội đặt ra 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.
Trong số đó, UBND TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập đề án "phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".
Trước đó, Hà Nội đã nhiều lần đề cập đến việc cấm xe máy vào khu vực nội đô.
Trao đổi với PV VietNamNet, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc NXB Giao thông – Vận tải cho biết, vấn đề cấm xe máy ở Hà Nội đã được nêu ra nhiều năm nay.
“Ngay tại một hội thảo về vấn đề này trước đây do UBND TP Hà Nội tổ chức, tôi và các chuyên gia đã cho rằng việc cấm xe máy là không khả thi do có nhiều nguyên nhân”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.
Ông Thủy cho rằng, hiện nay 80% người trưởng thành đi xe máy, trong đó ít nhất 60% là phương tiện phục vụ công việc để nuôi gia đình. “Nếu cấm thì người ta đi bằng gì, sống thế nào? Tôi nghĩ đến năm 2030 không thể cấm xe máy", ông Thủy nhận định.
Ông Thủy phân tích các nguyên nhân không thể cấm xe máy: Thứ nhất, về mặt khoa học, xe máy là một phương tiện cơ động, tốc độ, giá thành vừa túi tiền của người dân, chiếm diện tích đường chỉ bằng 1/5- 1/10 so với ô tô.
Thứ hai, xe máy chỉ gây ô nhiễm bằng 1/5 – 1/10 ô tô. Do đó, không thể nói xe máy là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, xe máy phù hợp với điều kiện đường xá và hạ tầng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình đặt vấn đề: Nếu nhu cầu đi xe máy chuyển sang giao thông công cộng thì giao thông công cộng có tải nổi không?
Ông Bình đánh giá hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội gồm buýt, BRT, metro đã khá mạnh, mạng lưới phủ dày, tần suất xe cao. "Tuy vậy, để có thể gánh hết toàn bộ nhu cầu giao thông từ xe máy chuyển sang thì e là chưa đủ sức”, ông Bình nhận định.
Hơn thế, không hẳn khi cấm xe máy thì 100% người đi xe máy sẽ chuyển sang giao thông công cộng mà một bộ phận có khả năng chuyển sang đi ô tô cá nhân.
“Nếu tỉ lệ này cao thì sẽ có nguy cơ dù cấm xe máy vẫn không giảm được ùn tắc. Bởi vì ô tô chiếm diện tích lớn hơn nhiều và không linh hoạt bằng xe máy”, ông Bình bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Xuân Thủy dự đoán, nếu cấm xe máy thì có thể người dân sẽ đua nhau mua ô tô, khi đó "Hà Nội sẽ không còn chỗ mà len".
TS. Phan Lê Bình còn đưa ra một tình huống khác: Khi hạn chế xe máy thì hoạt động vận chuyển hàng hóa, đồ ăn bằng xe máy có bị cấm không?
“Cấm xe máy giao hàng sẽ gây tác hại lớn đối với các hoạt động kinh tế tiêu dùng. Nếu cho phép xe máy loại này chạy thì làm sao phát hiện được xe máy chở người nhưng giả làm xe giao hàng?”, ông Bình nêu vấn đề.
Do đó, hai chuyên gia đều cho rằng không nên đặt vấn đề cấm xe máy lúc này, phương án này không khả thi vì thời gian đến năm 2030 còn quá ngắn. Để thực hiện được điều này cần phải phát triển mạng lưới giao thông công cộng một cách hợp lý hơn nữa, các dự án giao thông công cộng phải được triển khai thi công khẩn trương, nhanh hơn.
Cấm xe máy khi phương tiện công cộng đáp ứng 50% nhu cầu
Một chuyên gia giao thông nhận định, với mốc 2030, Hà Nội chỉ còn 7 năm nữa để thực hiện mục tiêu cấm xe máy. Căn cứ vào tình hình thực tiễn hạ tầng giao thông công cộng của Hà Nội, việc đặt ra mốc đó là thiếu cơ sở khoa học và không khả thi.
Hà Nội chỉ có thể thực hiện được việc này khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân.
Trong khi đó, hiện nay, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, kết nối hạ tầng chưa đồng bộ, một loạt các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, hệ thống xe buýt không không tiếp cận đến những ngõ ngách của Hà Nội... Vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu.
Theo N.Huyền (VietNamNet)