Rời con 2 phút, con trai bị chó cắn rách mặt
Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đến chính từ những vật nuôi như chó mèo trong gia đình đối với trẻ nhỏ. Thậm chí nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc đã phải trả giá bằng cả tính mạng do bị chó mèo cắn hoặc lây các bệnh truyền nhiễm từ vật nuôi trong gia đình. Ấy thế nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn thờ ơ, mất cảnh giác đối với con trẻ…
Bé M.Đ (21 tháng tuổi) là con của chị Bùi Ánh Tuyết trú tại thôn Ké Mới (Tản Lĩnh – Ba Vì – Hà Nội) bị chó của gia đình bên ngoại tấn công khiến khuôn mặt bị rách toạc và đau đớn.
Kể lại những giây phút kinh hoàng những ngày vừa qua cả 2 mẹ con đã phải trải qua, chị Tuyết cho hay: "Lúc 16h chiều ngày 16/5 khi tôi đang trông con thì có chút việc liền rời con đúng 2 phút đồng hồ thì bất ngờ nghe thấy tiếng con khóc thét lên kinh hoàng. Vội vàng chạy lại thì bàng hoàng chứng kiến cảnh con bị chảy máu rất nhiều, trên mặt, má, môi có nhiều vết thương do chính con chó của gia đình nuôi đã 5 năm tấn công".
Chị Tuyết cho hay, khi phát hiện con trai mình bị chó của nhà tấn công, chị vội vàng bế con đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân Y 105, sau đó tiếp tục chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị ngay trong đêm ngày 16/5.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé M.Đ được các Bác sĩ cấp cứu cũng như khâu các vết thương đồng thời tiêm phòng dại cho bé ngay sau đó.
Chia sẻ thêm với PV, chị Tuyết cho biết: "Cách đây 2 ngày (tức ngày 19/5) con chó của gia đình bất ngờ lăn đùng ra chết, ai cũng nói chắc chắn chó đã bị nhiễm bệnh dại nên mới chết đột ngột như thế. Rất may, con trai cũng đã được các Bác sĩ tiêm phòng kịp thời".
Chị Tuyết cũng cho biết thêm, trong những năm vừa qua gia đình cũng đã tiến hành tiêm phòng cho chó.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho hay, gia đình chị Tuyết thuộc hộ nghèo của địa phương. Tuy nhiên, sự việc cháu M.Đ bị chó dại cắn, ở thôn không báo cáo về chính quyền xã nên sáng 21/5, qua mạng xã hội ông Quân mới nắm được.
Ngay sau khi biết được sự việc, ông Quân đã cử cán bộ thương binh xã hội xuống gia đình kiểm tra, nắm bắt tình hình và có biện pháp hỗ trợ gia đình ở mức tối đa.
Nếu bị chó cắn phải đi tiêm phòng ngay
Sau 6 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện, nhờ sự cứu chữa, tiêm phòng dại kịp thời của các Bác sĩ bé M.Đ đã cơ bản ổn định về sức khỏe và chiều ngày 21/5 gia đình tiến hành làm thủ tục để bé xuất viện.
Trao đổi về điều này, chị Bùi Thị Tuyết cho hay: "Gương mặt con được như ngày hôm nay tôi mừng lắm…", nói tới đây giọng chị Tuyết nghẹn lại. Chị khẽ hôn lên gương mặt con được quấn băng và có nhiều vết khâu.
Trước đó, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho hay: "Chó mắc bệnh dại thường sống không quá một tuần. Nếu sau 10 ngày, con vật vẫn sống khỏe mạnh thì người bị cắn không mắc bệnh. Nếu chúng ốm rồi chết, bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng".
Ngoài ra, nếu bị tấn công ở mức độ nhiều tổn thương hoặc ở vị trí đầu mạch, vùng mặt, cổ, bộ phận sinh dục, người dân cũng cần phải tiêm phòng ngay. Virus dại phát tán rất nhanh ở những bộ phận này. Thậm chí, nhiều trường hợp dù đã tiêm phòng, khi thuốc chưa kịp phát huy tác dụng, bệnh nhân đã tử vong.
Đối với vết thương do chó cắn, người dân cần xử lý bằng cách rửa, sát trùng. Nếu vết cắn phức tạp, gia đình nên đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng, tất cả chó mèo đều cần tiêm vắc xin. Người có sở thích nuôi thú cưng nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người hoặc rọ mõm trước khi đi để tránh nguy cơ chúng tấn công người khác.
Theo Lê Bảo (Thời Đại)