|
Hóa đơn của chị Lan có số tiền cao gấp 2,5 lần so với tháng trước. |
Tuy nhiên, điều đáng nói là khu vực nhà chị Lan mất nước hơn nửa tháng. Cả ngày hứng được nửa téc nước, không đủ dội toilet mà hóa đơn tính tiền lại tăng gấp 2,5 lần thì không thể nào tin được. “Cũng vì mất nước, gia đình tôi phải gửi con về ông bà ở khu khác. Vợ chồng đi làm đến tận tối mới về mà tiền nước lại cao bất thường?” - chị Lan bức xúc.
Tương tự, trường hợp anh Đỗ Văn Công (số nhà 48, ngách 77, ngõ 207 Khương Đình) cho biết mình đang thuê nhà ở địa chỉ trên, có công tơ riêng và chỉ mỗi gia đình anh dùng. Vợ chồng anh có một con nhỏ, nhà có 3 người đi cả ngày đến đến tối mới về nên tiền nước sử dụng thường rất ít. Tháng 6, gia đình anh có hóa đơn tiền nước là hơn 28.000 đồng, tháng 7 hơn 23.000 đồng, sang tháng 8, hóa đơn tiền nước đột nhiên vọt lên gấp 4 lần so với tháng trước. Anh Công chia sẻ: “Không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình trong khu vực, tiền nước cũng tăng đột biến. Trong khi từ cuối tháng 7 đến nửa đầu tháng 8 chúng tôi bị mất nước liên tục. Khu chúng tôi ai cũng phải đi xin hoặc mua nước để dùng. Vậy mà tiền nước tăng gấp 4 lần thì không tin nổi”.
Anh Công đã thắc mắc với người thu tiền nước thì chỉ được câu trả lời rằng họ chỉ là người đi thu tiền theo hóa đơn nên không biết(?!). Anh cũng đã kiểm tra đồng hồ nước, thấy hoạt động vẫn bình thường. Không chỉ anh Công, chúng tôi còn nhận được phản ánh từ nhiều gia đình khác ở khu Đình Thôn (Từ Liêm), phố Chùa Láng (quận Đống Đa) về việc hóa đơn tiền nước tăng đột biến trong tháng 8 vừa qua.
Không kích hút, tiền nước vẫn “quay tít”?!
Sau khi nhận được phản ánh, trưa 9/9, trong vai người nhà của gia đình anh Công, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với Cty Cổ phần đầu tư và Xây dựng, kinh doanh nước sạch, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính (Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân). Nhân viên trực ở đây đã liên hệ với chị Quyên - người hàng tháng vẫn đi ghi chỉ số nước của gia đình anh Công đến kiểm tra đồng hồ vào 12h trưa 9/9. Tính đến ngày 9/9 chỉ số nước nhà anh Công là 736 số so với chỉ số tháng trước dừng lại ở số 728, tổng cộng hết 8 số. Ngày chốt số nước hàng tháng là ngày 12, như vậy gia đình anh Công chỉ dùng khoảng dưới 10 số nước (cộng thêm 2 ngày dùng cho đến thời điểm chốt số nước - PV). Trong khi tháng trước, nước mất liên tục thì hóa đơn của anh lên đến 16 số.
Theo chị Quyên, chị chỉ là người đi ghi số nước theo đúng đồng hồ nên không giải thích được gì thêm. Chị Quyên yêu cầu gia đình kiểm tra lại xem có dùng bơm kích hút từ nguồn vào trong những ngày mất nước hay không? Có để quên khóa vòi khiến nước thất thoát? Về điều này, anh Công cho biết, gia đình anh không có bơm kích hút, gia đình chỉ chờ nước khi có nước mới bơm trực tiếp lên bể tích trữ.
Với trường hợp của chị Lan, ngày 10/9, PV cũng đã liên lạc với Cty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội nhờ giải đáp thắc mắc, mất nước liên tục mà hóa đơn tính tiền lại cao bất thường. Đại diện Cty này cho hay: “Việc tính tiền là dựa trên chỉ số của đồng hồ nước. Tuy nhiên, có nhiều gia đình trong thời điểm mất nước hoặc nước yếu đã dùng thêm bơm hút từ nguồn thành phố vào bể ngầm để “kích” nước. Việc bơm hút này, nếu phát hiện được gia đình nào sử dụng sẽ phạt nặng. Hoặc nếu có bơm hút, chúng tôi khuyến cáo phải bơm kích cách xa 3m trở lên. Việc bơm kích này làm nước chảy mạnh hơn nhưng ngược lại, sẽ khiến đồng hồ quay tít - kể cả lúc không có nước hoặc nước rất yếu”.