Cụ thể, 5 điểm giảm ngập úng trong 16 điểm úng ngập cục bộ xảy ra khi mưa lớn trên địa bàn nội đô là: Phạm Văn Đồng, Đội Cấn, Trường Chinh, Thanh Đàm, Giải Phóng.
Với 11 điểm úng ngập còn lại, 8 điểm đã có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc cải tạo thoát nước nhằm giải quyết tình trạng úng ngập đã kéo dài nhiều năm, gồm các phố Hoa Bằng, Minh Khai, Nguyễn Khuyến, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê (dốc La Pho), Cao Bá Quát, Vũ Trọng Phụng.
Còn 3/11 điểm úng ngập là Đại lộ Thăng Long, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư.
Năm 2021, Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẽ tăng cường cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm sức khỏe người lao động; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tin học vào phục vụ sản xuất, như: Nâng cấp Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước; nâng cấp phần mềm bản đồ cảnh báo úng ngập và chỉ đường qua điện thoại HSDC Maps...
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng giải pháp triển khai hệ thống thoát nước và xử lý nước nước thải trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, các khu vực nghiên cứu đầu tư ưu tiên đã được xác định trong giai đoạn từ 2021 - 2025 tập trung triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải theo quy hoạch thuộc khu vực đô thị trung tâm (vùng Tả Đáy) như: lưu vực Tả Nhệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh.
Tập trung vào khu vực phát triển đô thị, các khu công nghiệp, các huyện trong đề án lên quận, khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như: Hoàn thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải lưu vực Tô Lịch; Lưu vực Tả Nhuệ có diện tích khoảng 58km (gồm tiểu lưu vực Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Nam Thăng Long và Ba Xã); Lưu vực Hữu Nhuệ; Lưu vực Hà Đông; Lưu vực Long Biên và Gia Lâm; Lưu vực Đông Anh; Lưu vực Sơn Tây.
Theo Trần Hoàng (Tiền Phong)