Cụ thể, trước diễn biến tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp (những ngày gần đây số mắc luôn ở mức cao từ 60 - 80 ca bệnh/ngày), để chủ động đáp ứng trong trường hợp dịch bùng phát với số lượng người mắc lớn, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP, UBND TP đã xây dựng phương án đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, sẵn sàng thu dung điều trị người bệnh, hạn chế tử vong, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Điều này căn cứ vào các công văn, quyết định, thông báo của BCĐ phòng chống dịch Quốc gia, của Bộ Y tế, TP về công tác phòng chống dịch bệnh.
BCĐ yêu cầu, bố trí đảm bảo Oxy y tế trong tình huống 40.000 người bệnh mắc COVID-19 cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế.
Sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Để thực hiện phương án đáp ứng Oxy y tế trong tình huống có 40.000 ca mắc trên địa bàn Thành phố cần có sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong triển khai phương án.
Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho các lực lượng tham gia phục vụ. Đảm bảo các điều kiện về năng lực tiếp nhận đưa vào sử dụng, dự trữ sẵn sàng Oxy y tế và cập nhật năng lực cung ứng của các đơn vị sản xuất, cung cấp, vận chuyển khí Oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế.
Phương án này được chia theo 03 giai đoạn
Giai đoạn đáp ứng tình huống 10.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Giai đoạn đáp ứng tình huống 20.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Giai đoạn đáp ứng tình huống 40.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Nguyên tắc phân luồng, điều phối Oxy y tế
Việc phân loại người bệnh theo mức độ bệnh căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 về việc hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Công văn số 5741/BYT-KCB ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế về việc củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19; theo đó: Bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ (83,6%) và mức độ trung bình (7%); Bệnh nhân nặng cần thở oxy, oxy gọng kính (3,8%) và Bệnh nhân rất nặng cần thở máy xâm nhập và không xâm nhập (3,6%); Bệnh nhân nguy kịch và ECMO (2%).
Do vậy, với trường hợp 40.000 người bệnh mắc COVID-19 sẽ có 3.120 người bệnh phải sử dụng Oxy y tế (9,4%).
Trên cơ sở phân loại người bệnh theo mức độ bệnh sẽ phân chia các cơ sở thu dung điều trị: Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân vừa; Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch cần điều trị hồi sức tích cực; Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không có triệu chứng và nhẹ (có các phương án riêng).
Việc điều phối Oxy y tế đến các cơ sở thu dung, điều trị trong từng thời điểm căn cứ vào việc sử dụng thực tế tại các cơ sở được phân công thu dung, điều trị.
Kinh phí thực hiện phương án từ các nguồn:
Nguồn ngân sách nhà nước các cấp.
Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trường hợp kinh phí triển khai công tác phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội được đảm bảo từ nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác thì kinh phí bố trí từ ngân sách nhà nước các cấp được giảm tương ứng để tránh chi trùng lặp.
Về việc thực hiện phương án này, Sở Y tế tham mưu xây dựng phương án đáp ứng khí Oxy y tế trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt.
Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc được phân công, tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, thường xuyên cập nhật mức độ sử dụng Oxy y tế theo từng giai đoạn trong phương án; các bệnh viện, cơ sở y tế bố trí đầu mối để tiếp nhận thông tin Oxy y tế, liên hệ với Sở Y tế.
Phối hợp với Sở Công Thương về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Oxy y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội để việc đặt hàng nguồn sản xuất, cung cấp Oxy y tế, không để dứt gãy nguồn cung cấp.
Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tham gia xây dựng phương án tiếp nhận đưa vào sử dụng, dự trữ sẵn sàng Oxy y tế.
Theo Lê Liên (Tổ Quốc)