Sau khi khảo sát, Công an TP.Hà Nội đề nghị các ban ngành liên quan tổ chức 21 chốt kiểm soát loại 1 đặt tại các vị trí có mật độ giao thông cao. Các chốt này do UBND thành phố quản lý; Công an Hà Nội, phối hợp với Sở GTVT, Bộ tư lệnh thủ đô và Sở Y tế chia làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng, kiểm soát 24/24.
Tại các chốt loại 1, mỗi ca trực sẽ có 16 cán bộ, trong đó 10 cán bộ chiến sĩ Công an TP.Hà Nội, 2 cán bộ Thanh tra giao thông của Sở GTVT, 3 cảnh sát sơ động của Bộ tư lệnh thủ đô và 2 cán bộ của Sở Y tế Hà Nội. Chốt trưởng do 1 cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đảm nhiệm.
Vị trí 21 chốt tại phân vùng 1 của Hà Nội gồm: Cầu Thăng Long, cầu Diễn, cầu Thạch Bích, cầu Sông Đáy, cầu Mai Lĩnh, cầu Quán Gánh, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương, cầu Long Biên, cầu Nhật Tân, cống Liên Mạc, cầu vượt Sông Nhuệ, cầu Ngà, cầu 72 II, cầu Cù Sơn, cầu Tân Phú, ngã ba đê Tả Đáy, cầu Khê Tang; cầu qua ngã ba đê Hữu Hồng - trạm bơm Hồng Vân.
Cùng với đó, 9 chốt loại 2 sẽ được đặt tại các nơi có mật độ giao thông trung bình và do UBND các quận, huyện phụ trách với 9 cán bộ/chốt; 9 chốt loại 3 đặt tại điểm có mật độ giao thông thấp do UBND xã, phường phụ trách với 4 cán bộ/chốt.
Các chốt có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện được vào, ra phân vùng 1, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, phân luồng giao thông.
Lực lượng chốt trực sẽ dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra Giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định, kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu.
Bên cạnh đó, các chốt trực có thể xét nghiệm nhanh Covid-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết (do lực lượng y tế quyết định), kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1.
Lực lượng làm nhiệm vụ kiên quyết yêu cầu quay đầu đối với các trường hợp không đủ điều kiện.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)