Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng với nền nhiệt cao, duy trì dài ngày. Nền nhiệt ghi nhận hôm 7/6 của Hà Nội cho thấy, nhiệt độ cao nhất: 34-37 độ, có nơi trên 37 độ.
Đến tối, nhiệt độ cũng không mấy dịu bớt. Không khí vô cùng ngột ngạt và bức bối do trời lặng gió. Cộng hưởng nhiều yếu tố, chỉ số chất lượng không khí ở thủ đô cũng đang ở mức đáng báo động.
Theo ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí Airvisual, lúc 23h30 ngày 7/6, Hà Nội xếp mức ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI là 193. Xếp sau Hà Nội là thành phố Jakarta của Indonesia với AQI 158.
Tương tự, trên ứng dụng Pamair nhiều điểm chỉ số chất lượng không khí màu đỏ (xấu) và tím (rất xấu). Một số điểm ngưỡng tím (rất xấu) như khu vực Bà Triệu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) AQI màu tím với chỉ số 224; Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) AQI 222; Đại La (Hai Bà Trưng, Hà Nội) AQI 217.
Nhiều điểm ngưỡng đỏ như Đội Cấn (Ba Đình); Thượng Đình (Thanh Xuân); Cầu Diễn (Nam Từ Liêm); Hoàng Cầu (Đống Đa)...
Lý giải về hiện tượng này, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng, ngoài bất lợi về thời tiết thì việc một số khu vực ngoại thành đã vào mùa thu hoạch, xuất hiện tình trạng đốt lộ thiên chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt vào chiều muộn và ban đêm khiến cho nồng độ chất ô nhiễm trong không khí tăng.
Việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra hợp chất Aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Với chỉ số AQI màu đỏ - ngưỡng xấu là ngưỡng ô nhiễm không khí mà nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn, tránh hoạt động ngoài trời.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)