Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội vừa ban hành tài liệu gửi các sở ngành, quận huyện, xã phường hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử lý tham gia môi trường mạng.
Tài liệu nêu rõ Internet ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng về liên kết xã hội và chia sẻ thông tin. Song nó cũng bộc lộ những mặt trái, tác động tiêu cực đến đời sống tư tưởng của xã hội.
Những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, kích động bạo lực… ngày một nhiều trên mạng.
Tuy nhiên, nhận thức còn hạn chế của không ít người khi tham gia môi trường mạng đã vô tình phát tán, chuyển tải thông tin sai trái, xấu độc.
Theo đánh giá của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, tình trạng các thành viên mạng xã hội đồng loạt chỉ trích, phê phán hay ca ngợi một thông tin ảo hay việc thích (like), chia sẻ (share) những clip bạo lực đã phần nào khiến môi trường thông tin trên mạng xã hội thiếu lành mạnh, có những tác động tiêu cực đến cộng đồng.
Trước những tồn tại trên, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội khuyên công dân khi tham gia môi trường mạng không nên lập nhóm, lập hội để nói xấu, công kích lẫn nhau.
Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cũng khuyên công dân không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác; không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác cho mục đích thương mại hoặc các mục đích khác.
Công dân cũng không nên "vào hùa" theo đám đông chia sẻ (share), nhận xét, phê bình một thông tin, sự kiện khi chưa hiểu rõ về vụ việc hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật.
Sở này cũng khuyên công dân không cổ súy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án như trào lưu "tung clip nhạy cảm", "đủ like là làm"…
Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cũng liệt kê danh sách những việc mà công dân cần làm. Đó là cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên TP Hà Nội cần gương mẫu, chuẩn mực khi tham gia môi trường mạng. Các đối tượng này không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.
Cán bộ, công chức của thủ đô cũng không đăng, phát thông tin quan điểm trái ngược với quan điểm chung của cơ quan, tổ chức nơi mình đang làm việc; không đăng, phát thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước lên mạng.
Ngoài ra, cán bộ, công chức Hà Nội cần tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên môi trường mạng; tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thông tin sai sự thật.
Giới thiệu, quảng bá hình ảnh, lịch sử, địa lý, sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô tới bạn bè trong và ngoài nước; Tuyên truyền gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Theo Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, khảo sát của chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho thấy trên mạng xã hội, tỉ lệ thông tin nói xấu, phỉ báng là 61,7%; vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%; kỳ thị dân tộc là 37,01%; kỳ thị giới tính là 29,03%; kỳ thị khuyết tật chiếm 21,76%; kỳ thị tôn giáo là 15,09%...
Theo Thiên Điếu (Tuổi Trẻ)